Thứ Năm, 21 tháng 2, 2013

Cháo cá lóc rau đắng đất – gió nội hương đồng

Nhắc đến ẩm thực miền tây, là nhắc đến những món ăn mang đậm chất “hương đồng gió nội”, dân dã, không cầu kỳ, đôi khi lại rất giản đơn, mộc mạc, như chính con người của vùng sông nước nơi đây. Nếu có dịp, bạn hãy thử một lần đến miền tây, đêm trăng lên, ngồi dưới mái tranh giữa cánh đồng đượm mùi rơm rạ, vừa thổi vừa húp xì xụp tô cháo cá lóc rau đắng đất còn nghi ngút khói, thả hồn theo tiếng râm ran của côn trùng gọi bạn… Tôi cá rằng khi ấy, không dưng bạn sẽ chợt thèm… ngâm mấy điệu Hoài lang…Tôi sinh ra ở Cà Mau, một tỉnh miền tây cho đến nay vẫn được liệt vào hàng “xa xôi hẻo lánh”. Nhà nội tôi ở vùng quê, quanh năm bốn bề nước nổi, giữa nhà này đến nhà kia được đo bằng những cánh đồng hai mùa mưa nắng, mùa nắng nếu “siêng” có thể đi bộ vượt đồng mà đến thăm nhau, mùa mưa thì thong dong trên những chiếc xuồng ba lá, vừa nhẹ tay chèo vừa ngắm hoa súng đua nhau khoe sắc khắp triền sông.

Thưở tôi còn bé, cứ sau mùa gặt, tôi thường được mấy cô/chú rước về nhà nội chơi. Về đến nơi, tôi và chú út sẽ được giao cho một cái rổ tre, nắm tay nhau tung tăng ra đồng nhổ rau đắng đất. Ở nhà, bà nội sẽ “mần” vài con cá lóc đồng thiệt bự, nấu một nồi cháo thiệt to, đợi “rau về” là bắt đầu… khai tiệc.

Tôi không được kể là dân miền tây bắt đầu ăn rau đắng đất tự khi nào. Tôi chỉ phát hiện một điều thú vị là rau đắng đất dường như chỉ dùng ăn với món cháo cá lóc là ngon nhất mà thôi. Hàng năm, cứ sau mùa thu hoạch lúa, hầu như nhà nào ở vùng nông thôn quê tôi cũng thường xuyên nấu món cháo cá lóc rau đắng đất. Đó như thói quen dân dã, với một món ăn dân dã, của những con người cũng dân dã nốt. Vô hình chung, những món ăn đơn giản đặc trưng như thế này còn là cả một niềm tự hào xứ sở không thể nào định nghĩa. Cũng giống như con nhà nông gót chân phải bám mùi phèn vậy.

Rau đắng đất không mọc trong vườn, cũng không thể trồng, chúng chỉ tự nhiên mọc lên ở những cánh đồng sau mùa thu họach (Thường từ tháng 12 đến tháng 3). Khi nhổ rau lên khỏi mặt đất, dù là ngâm trong nước, rau cũng sẽ héo nhanh sau đó, chỉ tươi độ vài tiếng đồng hồ. Thế là ngẫu nhiên, rau đắng đất như một món quà quê đỏng đảnh của thiên nhiên. Có lẽ cũng vì thế mà rau đắng đất chỉ thích hợp khi được chế biến chung với các loại cá đồng.

Rau đắng đất có bản chất đúng với cái tên của nó – ăn vào rất đắng, nhưng tính lại rất mát. Đôi khi những người già như ông nội tôi muốn “mát trong người” cũng thử đem rau đắng đất chấm nước cá kho, nhưng được vài đũa cũng đành… bỏ cuộc. Thế mà, kỳ diệu một điều, khi kết hợp với món cháo cá lóc, rau đắng không những không đắng mà còn có hậu ngọt rất đặc trưng. Vị của rau, của cá, của gạo hòa quyện vào nhau, rất thanh, rất dịu, và rất đặc biệt.

Tùy theo sở thích của mỗi người mà món Cháo cá lóc được nấu đơn giản hay công phu một chút. Nếu đơn giản, chỉ cần vo gạo xong, đổ nước vào, đun sôi. Cá lóc làm sạch, cắt phần đầu ra, phần thân róc xương, lấy thịt thái phi lê, ướp gia vị vừa ăn. Khi gạo bắt đầu nở, bỏ đầu và xương cá vào cho ngọt nước, nêm nếm gia vị là dùng được. Nếu thích công phu hơn, gạo vo xong để ráo nước, sao vàng rồi mới đổ nước vào đun sôi, lúc cháo chín, phi mỡ hành thật giòn rưới lên mặt cháo, nhìn rất bắt mắt.

Các bước chuẩn bị đều hoàn tất. Cá lóc phi lê đã thấm gia vị được cho vào tô với một ít hành lá xắt nhuyễn, cháo nóng hổi múc lưng tô, rắc một ít tiêu, sau đó cho rau đắng đã rửa sạch lên, vừa trộn đều là dùng ngay, như vậy mới giữ được chất của rau. Cháo nóng hổi vừa thổi vừa ăn, vị tiêu cay cay hòa với hơi nóng và vị ngọt của cháo, của cá, của rau, cứ tê tê trên đầu lưỡi tạo nên những tiếng hít hà sảng khoái, những giọt mồ hôi rịn đều khắp mặt, ta có cảm giác như khắp cơ thể mình đều bắt đầu chuyển động những cung bật vui tươi.

Cháo cá lóc Sài gòn không ăn với rau đắng đất mà ăn với rau đắng biển. Cháo cá lóc Sài gòn thường được nấu thêm với nấm, khi ăn ngoài rau đắng biển còn có gừng xắt sợi và giá tươi. Có nơi còn kết hợp thêm giò chéo quẩy và tương đậu phụ. Không những thế, nếu ăn cháo ngay trên bếp, gọi là “lẩu cháo cá lóc”, người ta còn cho thêm hột vịt lộn vào nồi cháo. Đó cũng là một nét đặc trưng của ẩm thực Sài gòn. Sài gòn ít có món ăn riêng, một phần do cư dân Sài gòn phần lớn là dân nhập cư khắp mọi miền đất nước. Vì thế về mặt ẩm thực vô cùng phong phú, họ chế biến lại món ăn của các vùng miền để tạo một phong cách khác biệt không kém phần hấp dẫn.

24/06/2009.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét