Thứ Năm, 21 tháng 2, 2013

Trữ nước mưa cho mùa hạn - văn hoá nông thôn miền Tây xưa

Miền Tây có nhiều nét đẹp văn hoá mang đậm chất nông thôn. Có những thứ mang giá trị về văn hoá rõ rệt, sâu sắc, được nhiều người biết đến qua sách báo và dân gian. Riêng tôi, với cảm nhận của mình, tôi thấy Miền tây còn nhiều chi tiết nhỏ có lẽ chưa từng được viết trên phương tiện truyền thông, nhưng nếu không nhắc đến không thể hoàn thiện bức tranh "văn hoá người Miền tây" được.Miền tây là vùng sông nước. Điều đó hẳn rồi, không ai là không biết. Khoảng từ 20 năm trở về trước, khắp Miền tây có thể nói đường nhựa ít, đường làng nhiều, và đường sông còn nhiều hơn. Không cần nói đến nông thôn, ngay cả khu vực ven thị xã, ao đầm lớn nhỏ rải rác, nên người Miền tây xưa nói chung là không thiếu nước xài, bởi dù sao trước đây nguồn nước sông, hồ ở Miền tây vẫn còn rất sạch, và đa phần là nước ngọt. (Ngày nay thì khác rồi)

Trước thời điểm nhiều nơi bắt đầu "mặn hoá" vùng nông thôn, tự nhiên có, do con người cố tình làm có, nước ngọt thật sự là một món quà tuyệt vời mà thiên nhiên dành cho xứ sở Miền tây. Khắp vùng nông thôn, ao, sông ngòi, nước xanh trong văn vắt, đi đến đâu cũng có thể nhảy ùm xuống tắm bất cứ lúc nào, nước rất sạch - mát - và ngọt. Người dân hầu như chẳng cần quan tâm đến nhu cầu nước dùng; thậm chí múc nước sông lên uống cũng không thành vấn đề. Có điều Miền tây hai mùa mưa nắng, mà đã mưa là mưa dầm mưa dề, nên dĩ nhiên là người Miền tây xưa thích uống nước mưa và không thiếu nước mưa để uống.

Vùng nông thôn Miền tây xưa hay dùng Lu, Khạp và Kiệu để chứa nước. Khạp có dung tích nhỏ nhất, thường được dùng chứa nước cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày, có thể là nước sông, có thể là nước mưa. Lu dung tích to hơn khoảng 3 -5 lần so với khạp tuỳ kích cỡ lu, dùng để trữ nước từ mùa mưa cho mùa hạn.

Cũng là trữ nước, nhưng Kiệu dùng để trữ nước uống. Dung tích của Kiệu không quá khác biệt so với lu, nhưng kiểu dáng và chất liệu có hơi khác. Lu phình to phần thân trên, hơi thấp, thường là màu trắng xám, không hoạ tiết, chất liệu đơn giản. Kiệu thon và cao, luôn được mạ một lớp màu vàng trơn bóng bên ngoài (bằng chất liệu gì thì tôi không rõ), trang trí nổi hoa văn rồng - phượng, bên trong cũng quét một lớp màu vàng chống thấm. Nước mưa chứa trong kiệu dù để lâu lúc nào cũng mát lạnh, uống rất sảng khoái.

Tuỳ theo điều kiện gia đình mà mỗi nhà có số lượng Lu, Kiệu trữ nước khác nhau. Kiệu ít chiếm diện tích hơn lu, nên những gia đình khá giả, thường có từ 20 đến 30 Kiệu trữ nước đặt dọc hai bên hông nhà và sau nhà bếp. Nước để trữ dùng cho mùa hạn thường chỉ đế uống và nấu ăn. Sinh hoạt thường ngày có thể dùng nước ao. Nhà nào trữ nhiều thì dùng rữa mặt và "dội lại" sau khi tắm bằng nước ao.

Người Miền tây xưa không uống nước "mưa ngọn", tức là mưa đầu mùa, hoặc mưa nhỏ. Khi mùa mưa đến, phải sau vài cơn mưa lớn, theo quan niệm dân gian là mùa đã "rột rữa" xong, họ mới bắt đầu hứng nước dùng để uống. Nước được hứng trong khoảng thời gian giữa những cơn mưa thật lớn, đổ vào kiệu. Năm nào nắng ít, nước không dùng hết, trữ một hoặc hai kiệu nước mưa cho đến hai năm, đem nấu trà, vị trà rất thanh và ngọt, còn uống bình thường, chất mát lạnh và tinh khiết của nước khi vừa múc từ kiệu ra, nước "tủ lạnh" ngày nay thật chẳng thể nào bì được.

Ngày nay, không khí ô nhiễm, mưa nắng thất thường, điều kiện sống cũng tốt hơn; nước máy, khoan giếng, rộng rãi khắp nơi, người dân không cần tốn tiền mua kiệu trữ nước, cũng không cần phải tốn công - tốn thời gian hứng nước, mưa lớn cứ việc rung đùi ngồi tán gẫu; thói quen trữ nước và uống nước mưa vì vậy cũng dường mai một hẳn.

Phải chăng xã hội càng tiên tiến, đời sống càng đi lên, càng khiến lòng người đôi khi dễ sinh hoài niệm... Đến một ngày không xa, ngay cả hoài niệm cũng không có điều kiện tồn tại trong tâm trí nữa...

14/11/2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét