Thứ Năm, 21 tháng 2, 2013

Viết cho ngày 20-11

Mỗi ngày trôi qua của tôi là một quỹ thời gian rất hạn hẹp cho lỉnh kỉnh những việc cần làm. Sắp đến ngày Nhà Giáo, cách ngày 20/11 khoảng một tuần tôi đã hỏi kỹ em trai là ngày nào ở trường làm lễ, để còn sắp xếp thời gian chuẩn bị quà cho nhóc tặng thầy chủ nhiệm. Thực ra thầy chủ nhiệm và giáo viên bộ môn cả lớp nhóc đã góp tiền mua quà đầy đủ rồi, nhưng tôi vẫn thích dànhriêng một món quà cho giáo viên chủ nhiệm hoặc giáo viên mà mình yêu mến nhất.Nhóc báo là sáng thứ 7 (20/11) làm lễ, tôi định chiều thứ 6 sẽ đi mua quà, nhưng sáng thứ 5 nhóc lại báo là dời ngày làm lễ sang sáng thứ 6, thứ 7 được nghỉ. Thế là tôi quýnh lên... Chiều thứ 5 vừa xong việc, định về nhà tắm gội, thay đồ, đi chọn quà cho thong thả, vừa bước vào nhà trời đổ mưa như trút nước... Tôi cứ ngồi mong trời mau tạnh, nhiều người nói tôi nên tặng phong bì cho tiện, thời nay phụ huynh cũng thường tặng phong bì cho giáo viên hơn...

Có lẽ tôi là người sống tình cảm và cổ điển. Ngoại trừ đám cưới, trong những dịp cần "tặng", tôi không bao giờ chọn cách tặng phong bì. Theo quan điểm của tôi, quà tặng là thứ để người ta bày tỏ tấm lòng, cách bỏ công vào món quà cũng là cách thể hiện tình cảm và sự trân trọng của người tặng dành cho người được tặng. Bất cứ tặng gì cho ai, tôi luôn quan tâm tới sở thích của người đó, tôi luôn mong muốn người nhận được quà tôi tặng sẽ vui, và cần nhất là họ hiểu trong lòng tôi quan tâm đến họ bao nhiêu, giá trị vật chất không phải là vấn đề quan trọng, nếu món quà đó rẻ tiền, điều đó cũng không làm họ khinh tôi hay nghĩ tôi tiết kiệm, và nếu món quà đó rất đắt tiền, họ cũng không nghĩ đến chuyện ngại ngần hay cần "trả lễ".

Còn nhớ năm tôi lớp 8, thưở đó gia đình tôi cũng chưa khá giả gì, mỗi ngày đi học tôi chỉ được cho 1000 đồng để gởi xe và uống nước. Tôi rất quý thầy chủ nhiệm, đến ngày 20/11, tôi không biết tặng gì cho thầy, nghĩ mãi, tôi mua một bông hoa cài áo bằng vải 1200 đồng, lấy giấy tập viết tặng thầy một bài thơ. Tôi xếp một cái phong bì nhỏ, xếp bài thơ bỏ vào, bên trên phong bì dán bông hoa cài áo lên, rồi canh tới tiết của thầy, lén bỏ lên bàn giáo viên.

Thầy vào lớp, sau khi chào thầy xong, các bạn lũ lượt mang quà lên tặng, thầy nhận - cảm ơn, sau khi các bạn đã tặng hết, thầy nhắc cả lớp năm sau đừng làm như vậy nữa, thầy cần học trò của thầy chăm chỉ học tập đạt kết quả cao chứ không cần học trò vòi vĩnh đòi mua quà tặng thầy làm tốn tiền cha mẹ. Thầy còn nói vui rằng: "[I]Có nhiều em tôi biết sau lưng tôi nhiều khi chửi tôi khó khăn, khó chịu, khó ưa,... vậy thì tặng quà cho tôi để làm gì![/I]"

Sau khi ngồi vào bàn, thầy mới thấy món quà của tôi, thầy đọc bài thơ cho cả lớp nghe, lấy hoa dán lên ngực áo, và đứng trước lớp hỏi món quà là của ai. Tôi không dám nhận là của mình...

Lúc này thầy mới nói: "[I]Hôm nay thầy là giáo viên hạnh phúc nhất trường, vì thầy cô nào trong trường chắc hẳn cũng nhận được rất nhiều món quà đắt tiền, nhưng chỉ có duy nhất một mình thầy là có hoa cài trên ngực áo. Thực ra không phải món quà tặng nào cũng được học sinh đặt tình cảm yêu mến và kính trọng vào đó. Trong số các em, thầy tin chắc có em không biết món quà mang lên tặng thầy là gì trong đó, hoặc biết nhưng không biết nhìn nó ra sao. Thầy cảm ơn trò nào đã tặng thầy món quà này, bài thơ viết rất hay, thầy sẽ giữ để những năm sau đọc cho các lớp đàn em của các em nghe. Qua đây, thầy cũng muốn nhắn với em đó rằng, tại sao muốn bày tỏ lòng yêu mến với thầy/cô mình mà lại ngại không dám lên gặp thầy, hai tay đưa tặng thầy, tấm lòng mới là thứ đáng quí, là thứ làm thầy tự hào khi là một nhà giáo[/I]".

Hay năm tôi học lớp 1, sức khỏe tôi rất yếu, mỗi khi trái gió trở trời lại đau ốm liên miên, "[I]tránh gió - kị mùi sương - nắng không ưa - mưa không chịu[/I]". Mỗi lúc trời mưa lớn, nếu có ngoại ở nhà ngoại sẽ che dù ẳm tôi đến lớp. Hôm nào kẻng đánh mà chưa thấy tôi, biết ngoại tôi không có nhà, cô giáo đều đội nón lá sang nhà để rước tôi đi học.

Năm tôi lớp 4, thầy giáo thấy tôi nhút nhát, khi đi dạy luôn bỏ theo cây lược và dây thun trong cặp, giờ ra chơi lại chải tóc và cột tóc cho tôi, nói chuyện với tôi. Tôi chơi trò gì cũng dở, từ banh đũa - nhảy dây đến bún thun, nên các bạn thường không thích cho tôi chơi cùng. Thế là thầy chơi với tôi, thỉnh thoảng lại nói các bạn đừng bỏ mặc tôi.

Năm tôi lớp 7, tôi học ở Phang Rang, chỉ 1 năm lớp 7. Vậy mà khi tôi về Cà Mau, đầu năm lớp 9 Cà Mau bị cơn bão số 5 tàn phá, sau bão không bao lâu, tôi thật bất ngờ khi nhận được thư từ cô chủ nhiệm lớp 7 của tôi. Cô Trách tôi về Cà Mau không đến gặp cô nói một lời từ biệt, cô không biết vì sao tôi chuyển trường, không biết có chuyện gì xảy ra với tôi không, nghe bão số 5 về Cà Mau, cô lục hồ sơ cũ tìm đến nhà người bà con bảo trợ tôi năm lớp 7 để xin địa chỉ nhà tôi... lá thư của cô thật dài với bao nhiêu niềm trăn trở và lo lắng, động viên...

Còn nhiều, nhiều lắm... Thật quí làm sao tình nghĩa thầy trò, tấm lòng của những người thầy, những người đưa đò tận tụy, cống hiến suốt cuộc đời cho thế hệ mai sau...

Tôi nói với bạn tôi ngày mai đi thăm giáo viên chủ nhiệm suốt 3 năm cấp 3 của tôi, bạn tôi phì cười...

Cô giáo tôi.. là người rơi nước mắt biết bao nhiêu suốt ba năm quản lũ học trò suốt ngày quậy phá...

Nhưng cũng là người phụ nữ rất dễ mềm lòng, ngày 20/11 cả lũ chúng tôi kéo đến nhà tặng cô một xấp vải đẹp rẻ tiền mà cả lớp gom góp được với lời xin lỗi (dù biết rồi sẽ phạm lỗi nữa thôi), tuần sau, khi lớp tôi đang bị giáo viên bộ môn mắng, cô mặc bộ áo dài được may từ xấp vải chúng tôi đã tặng, đứng nép bên cửa lớp mỉm cười mà rưng rưng nước mắt...

Thầy cô, hay người thân, bạn bè, hàng xóm... Nếu ta dùng tấm lòng để đối với họ, chắc chắn ta sẽ được nhận lại nhiều hơn một tấm lòng...

19/11/2010

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét