Thứ Năm, 21 tháng 2, 2013

Xuân về, nhớ bánh tét quê…

Tháng chạp về, đêm Sài Gòn se lạnh, cái lạnh không đủ gọi là Đông, nhưng cũng đủ làm một ai đó nhớ về những kỷ niệm đã qua, tự sưởi ấm lòng mình những lúc ngắm dòng người ngược xuôi ngoài phố...Hôm nay, nhỏ bạn hỏi:

- Khi nào về quê vậy cưng?

- Chắc tầm 28 tết.

- Về trễ vậy? 25 tui về rùi, về phụ gia đình làm bánh tét, vui lắm.

Nó nhoẻn cười:

- Ừ, nhớ đem lên làm quà cho tui nữa đó.

Hình như đã hơn mười năm, nó không được ăn bánh tét. Hơn mười cái xuân đến rồi đi như thiêu thiếu một điều gì… không thể gọi thành tên.

Thật lòng mà nói, thời buổi bây giờ, nếu muốn ăn bánh tét – chẳng khó chút nào. Sắp tết càng dễ hơn, bánh tét được bày bán khắp nơi, cũng không phải tốn nhiều tiền để mua về.

Nhưng bánh tét trong lòng nó khác lắm. Đó là loại bánh mỗi năm nó chỉ ăn vào dịp tết, và không cần phải đi mua… Đòn bánh tét vuông vức được gói ghém cẩn thận bằng đôi tay của những người thân yêu của nó, được gởi vào đó những niềm vui, những nụ cười, và tình thân ấm áp ngày sum họp…

Đêm ba mươi, bên ấm trà sen nghi ngút khói, đại gia đình ba thế hệ ngồi quay quần lại bên nhau - kể về một năm cũ đã qua. Lũ trẻ con đứa thì lót dép, đứa ngồi xổm quanh bếp lửa hồng… thi thoảng lại thay nhau châm củi vào cái lò “dã chiến” chỉ có ba ông táo là ba hòn đá xếp lại thành một cụm ở góc vườn, đun nồi bánh tét to vật vã, cười nói rúc rích rù rì không biết mệt… chờ ngày mới, đón xuân sang với tất cả niềm háo hức …



… Cách đây gần hai mươi năm, đại gia đình nhà nội nó chỉ thuần một nghề nông. Các cô, chú, bác, đã có gia đình riêng ai cũng có vài chục công ruộng để cấy cày. Nhưng nhà nào cũng trồng lúa thôi. Riêng nhà ông nội thì có phần ruộng cố định dùng để trồng nếp, sản lượng nếp thu hoạch sẽ được ông nội chia cho mỗi nhà như một món quà. Cái thưở còn chưa biết “thâm canh tăng vụ” ấy, mỗi năm chỉ một mùa gặt hái, phần quà của ông nội sẽ được mỗi gia đình dùng vào các dịp nấu xôi, chè trong suốt thời gian chờ mùa thu hoạch kế. Riêng phần nếp nhà ông nội còn được sử dụng vào một dịp đặc biệt khác – làm bánh tét đón xuân.

Ông bà nội nó có tổng cộng mười người con, lúc nó còn tiểu học tính luôn ba nó thì có bốn người đã lập gia đình. Nhà nội nó nằm lọt thỏm giữa bốn bề sông nước, thuở đó đời sống và giao thông đi lại còn khó khăn, nên mỗi năm chỉ có vào dịp tết là đại gia đình tề tựu đông đủ nhất, không thiếu một ai.

Vườn nhà nội nó rộng lắm, có nhiều cây ăn trái các loại. Mấy ngày cận tết, người lớn sẽ phân công nhau hái trái cây đón tết, đặc biệt là hái lá chuối phơi sương để gói bánh tét, nấu vào đêm giao thừa. Lúc đó nó còn nhỏ quá, không nhớ rõ các khâu chuẩn bị để gói bánh là như thế nào, chỉ nhớ trên hai tấm phản lớn dưới nhà bếp một sáng tinh sương nào đấy, sẽ được bày la liệt nào là lá chuối, nào là dây lác, nếp ướt, đậu xanh, chuối, mỡ heo…

Cánh đàn ông thì ở “nhà trên”, uống trà “đàm đạo” cùng ông nội. Bà nội cùng “chị em phụ nữ” thì ở “nhà dưới”, khi mọi thứ đã chuẩn bị xong thì bắt tay vào việc gói bánh, vừa gói vừa cười nói rộn ràng. “Người miệt vườn” cả mà, ăn to nói lớn quen rồi, nên không khí cả nhà từ trước đến sau nghe cứ rổn rảng, giòn tan như pháo tết. Cô út nhỏ nhất thì không được gói bánh, mà được giao nhiệm vụ nấu cơm cho cả gia đình, nó – chú út – và mấy anh chị em thì phụ bếp cho cô út. Ngoài cơm canh ba món còn không thể thiếu những “món ăn chơi” cây nhà lá vườn như: Bí đỏ hầm nước dừa, chuối chưng, chuối chiên, chè đậu xanh… Nó có cảm giác những ngày cuối năm ở nhà nội là những buổi tiệc hoành tráng nhất trong năm, ấm áp và hạnh phúc.

Bánh tét nhà nội được gói cả một ngày mới xong, dù đã huy động một lực lượng… tay nghề cao rất ư hùng hậu. Vì bánh không chỉ gói năm – mười đòn mà cả mấy trăm đòn. Vừa ăn tết, vừa biếu bà con chòm xóm.

Đêm đến, trong vườn ổi bên hông nhà, vài bếp lửa được nhóm lên, mỗi bếp đều cõng một nồi bánh rất ư hoành tráng. (Ngày đó nó nghĩ chắc chỉ nhà nội nó mới có những cái nồi to đến thế). Bên mỗi bếp lửa là một ụ củi khô, cây nào cây nấy bằng bắp chân. Nhóm “trẻ con” được giao nhiệm vụ canh lửa, không được để lửa tắt, cũng không được để lửa cháy quá lớn, mỗi lần chỉ cần ba cây củi trong lò là đủ. Vừa canh lửa, nó và mấy anh chị em vừa ngồi nghe cô, chú út thay phiên kể chuyện ma, chuyện cười… rồi chơi trò chơi… Thi thoảng nó lại trèo lên cây ổi, hái vài trái xuống cho mọi người… giải trí. Trong nhà, tiếng cười sang sảng của ông nội, tiếng kể chuyện râm ran của mọi người cứ vang đều, lúc trầm lúc bổng. Quanh vườn, ếch nhái thi nhau gọi bạn như một bản hoà tấu đầy ngẫu hứng. Ánh lửa bập bùng, mùi khói rơm từ những “con cúi” un muỗi đặt ngoài sân phảng phất, hương hoa nhài nở sớm đong đưa… Bầu trời trong vắt với những vì sao lấp lánh… Như một thiên đường bình dị ở nhân gian…

Sáng mồng một tết, vừa nghe gà cất tiếng gáy “Ó o!”, những mẻ bánh đầu tiên được háo hức dở ra, hôi hổi sắp lên bàn thờ gia tổ. Ông nội khăn áo chỉnh tề, trịnh trọng thắp những nén trầm hương đầu năm mới. Trà châm, bánh sắp, mọi người lần lượt ngồi vào vị trí quanh chiếc bàn hình chữ nhật lớn đặt giữa nhà, nghe ông nội dặn dò, dạy bảo. Lần lượt người lớn rồi đến trẻ con, dành những lời chúc tốt đẹp nhất cho ông bà nội, cung kính nhận những phong lì xì đỏ - Hạnh lộc, an khang.

Khi mặt trời ló dạng phía đằng đông, cũng là lúc cả gia đình hoan hỉ dùng tiệc khai niên với vài chén nước mắm mặn và dăm đĩa bánh tét chiên, hay chỉ đơn giản là lột lá gói bánh ra, dùng chính dây cột bánh, một đầu ngậm vào miệng, một đầu cầm tay, nhẹ nhàng choàng sợi dây quanh thân bánh, siết nhẹ, là được một khoanh bánh ngon lành.

Vừa hết tiểu học, bà ngoại nó qua đời, nó được chuyển đi học ở nơi xa… Trở về không bao lâu, bà nội nó cũng đến cùng bà ngoại… Các cô, chú lần lượt được dựng vợ, gả chồng… Ông nội rời mảnh vườn xưa, về thị xã với căn nhà chỉ có khoảng sân nhỏ tập tàng vài ba chậu kiểng… Ba mẹ nó ly thân, rồi ly dị không lâu sau đó… Khái niệm đại gia đình và bữa tiệc bánh cổ truyền vô tình cứ mờ đi, mờ đi…

Xa quê gần mười năm, mỗi dịp tết về thăm nội, nhìn lên dãy bàn thờ, chỉ có bàn bà nội là có hai đòn bánh tét nằm lạc lõng giữa hàng hàng lớp lớp trái cây ngoại, rượu ngoại, tiền đô…

Mắt nội giờ đã lem nhem, bàn tay gầy guộc run run những lúc ấy lại nắm lấy tay nó, dặn dò:

- Nhớ nhắc mấy cô mày, mồng một chiên bánh tét cúng bà nội nghen con!..



17/01/2010

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét