Thứ Năm, 21 tháng 2, 2013

Tự truyện: Cỏ Hát (Phần XXIII)

TLP’s Story (Phần XXIII)

Tôi trở về với mái lá của tôi
Hoa Tràm trắng mông mênh mùa nước nổi
Đom đóm lập loè khoảng sân vừa tối
Gió lưng trời đêm vỗ giấc… xa xôi
Tôi trở về với thế giới của tôi
Cô bé lọ lem đợi chiếc hài hoàng tử
Đếm trang đời cứ trôi qua tuần tự
Nhặt cho tròn đâu đó một niềm vui…

Về lại Cà Mau, mẹ tiếp tục công việc buôn bán với chiếc sạp nhỏ nơi đầu chợ. Ba làm ở phường. Tôi tất bật với căn nhà lá hai giang và 2 đứa em nheo nhóc. Một năm được dành nhiều thời gian cho việc học hơn bình thường không còn nữa. Tôi trở về là cô bé mà người quen, hàng xóm… tặng cho câu: “Đi học mà không bao giờ thấy học bài”. Đâu phải tôi không muốn học, mà không có thời gian để học.

Thưở đó, nguồn nước dùng chủ yếu của người dân xóm tôi là nước mưa. Một năm có một mùa mưa và một mùa nắng. Nên hầu như nhà nào cũng xây một hồ nước bằng xi măng thật lớn, và chuẩn bị vô số những chiếc “lu” to xếp dọc quanh nhà. Cứ đến mùa mưa, nước sẽ được chứa đầy vào tất cả những dụng cụ này, để có thể dùng được qua mùa nắng, chờ đến mùa mưa năm sau.

Trước lúc tôi ra fangrang, nhà tôi có một hồ nước ngọt trong văn vắt. Nước hồ này được xách lên dùng cho mọi sinh hoạt hàng ngày. Nước mưa dùng để uống và nấu ăn. Vì vậy nhà tôi có không đến 10 chiếc lu chứa nước. Khi tôi về lại Cà Mau, chiếc hồ đã bị ô nhiễm, không còn sạch như xưa. Nên không thể dùng để sinh hoạt nữa. Dụng cụ chứa nước ít, nên không cần đợi đến mùa nắng, chỉ cần khoảng 4 ngày không mưa, là nhà tôi không còn nước để dùng.

Trường học cạnh nhà tôi được sở giáo dục khoan cho một cây nước. Cây nước này như vị cứu tinh của một số hộ trong xóm, trong đó có nhà tôi. Ngày ngày, tôi phải đi qua đi lại trên đoạn đường khoảng 100 mét không biết bao nhiêu lần, để xách đầy 2 lu nước thật to cho cả nhà dùng. Xách nước mệt là một chuyện, bơm nuớc còn mệt gấp mấy lần. Tôi vốn nhỏ con, hai cánh tay gầy như que củi của một con bé 12 tuổi không đủ lực đè chiếc cần nước bằng sắt nặng ì trĩu xuống để lấy nước lên. Mỗi lần bơm, tôi phải cố hết sức đu cả người tòn teng lên trên thanh sắt. Xách nước đối với tôi cứ như những bài luyện giang khổ của môn đồ trên núi Thiếu Lâm. Mà đúng là tôi khỏe dần lên thật…

Vì việc xách được một xô nước về nhà quá mất thời gian, trong khi còn quét dọn nhà cửa, giặt giũ, cơm nước, bửa củi, sáng đem củi ra phơi, chiều phải đem vào… Hàng tá chuyện chờ tôi ở nhà khi tôi còn phải đến trường. Chỉ cần làm không hoàn tất một chuyện gì, những cơn mưa roi vần vũ sẵn sàng ập xuống đầu tôi với lời đe: “Có nhiêu chuyện cũng làm không xong, nuôi mày chỉ tốn cơm tốn gạo, ăn học mà làm gì, từ mai ở nhà, đừng đi học nữa”. Tôi nhất định phải học, học để thoát khỏi những cơn ác mộng của cuộc đời, để sống một cuộc sống mà tôi mơ ước. Bên cạnh đó, tôi không muốn nhìn đôi mắt mẹ xa xăm buồn bã khi cả ngày vất vả giữa chợ trời, về đến nhà còn canh cánh chuyện chồng – con. Thế là tôi bắt đầu tập xách một lần 2 xô nước. Những bước chân lê nặng nhọc cứ thế nhanh dần... Tôi nhận ra một điều, dường như đối với con người, không có gì là không thể. Những đêm trời tối đen như mực, mò mẫm xách từng xô nước đến tận nửa đêm để ban ngày có đủ thời gian làm việc khác, đầu óc tôi như trống rỗng, tôi chỉ biết đi – bơm nước – xách về như một cái máy, như đang chìm giữa cơn mộng mị, không biết mình đang làm gì, có còn sức để làm tiếp hay không… Chỉ biết là mình bắt buộc phải làm bằng được.

Khi từ fangrang trở về, ba cũng tốt với tôi được một thời gian ngắn (nghĩa là một thời gian ngắn tôi không bị đánh), sau đó thì đâu lại hoàn đấy. Tôi có cảm giác tôi có thù hận gì với ba từ đâu ngàn kiếp trước, nên ba mới có thể trút oán hận lên người tôi không thương tiếc nhiều như vậy. Có khi đang quét nhà, tôi bỗng ăn một cú đá như trời giáng, bay cùng cây chổi vào một góc, ngóc đầu dậy mới biết, tôi mắc phải lỗi: “Quét nhà mà chẳng cong lưng”. Đối với ba tôi, khi quét nhà, từ thắt lưng đến đầu phải trong tư thế song song với mặt đất, nếu thấy tôi đứng thẳng hơn như thế, y như rằng ba phải “dạy cho tôi một bài học nhớ đời”, và tôi đã luôn nhớ suốt cuộc đời những bài học tương tự như thế từ ba. Sống trong gia đình mình, tôi có cảm giác tôi không bao giờ đúng, dù tôi có nỗ lực thế nào, tôi cũng là thứ “nuôi tốn cơm tốn gạo, nuôi chó còn có nghĩa hơn nhiều”. Nên việc tôi bị đánh bất cứ lúc nào là một sự thật hiển nhiên không có gì bàn cãi. Thời gian được đến trường là thời gian hạnh phúc nhất cuộc đời tôi. Nên tôi có thể làm tất cả để được đến giờ đi học. Ở trường, tôi không phải phập phồng lo sợ mối đe doạ xung quanh luôn chực chờ ập xuống. Kinh phật có dạy rằng, con người có luật nhân quả. Những lúc một mình ngồi sau hè rưng rức với những cơn đau xé khắp tâm can, tôi tin kiếp truớc tôi đã làm điều gì rất ư là độc ác, nên kiếp này tôi phải trả. Những khi muốn tìm đến cái chết, tôi lại nghĩ, nếu kiếp này tôi chạy chốn, kiếp sau tôi lại phải trả thêm, nếu kiếp sau tôi lại chạy trốn, thì nợ của tôi - biết bao giờ trả hết. Thôi thì một kiếp người, tôi trả cho xong vậy. Và cũng từ khi đó, tôi thề với lòng rằng, tôi sẽ không bao giờ để một người đàn ông thứ 2 nào có thể đánh tôi, và – tôi không bao giờ để cha của các con tôi dùng bạo lực đối với chúng.

Ấy vậy mà tôi rất dễ vui. Dù ba có đối xử với tôi như thế nào, chỉ cần ba tốt với tôi một chút, tôi cũng lấy làm hạnh phúc và nghĩ rằng ba cũng thương tôi. Không biết có phải vì tôi rất hiếm khi nhận được một lời khen, hay chỉ đơn giản là một lời công nhận những việc tôi làm. Có lần, hơn 12h, tôi mệt lã lê bước đến giường khi đã xách xong 2 lu nước. Ba xoa đầu nói với tôi rằng: “Vậy phải giỏi không”. Chỉ thế thôi, mà tôi đã mỉm cười suốt đêm hôm đó với những giấc mơ về một mái gia đình yên vui, hạnh phúc.

Mỗi ngày đi học, tôi được mẹ cho 400 đồng. 200 gởi xe, 200 uống nước sâm, vì năm lớp 8 học buổi chiều nên tôi bị cắt 600 ăn bánh mì kem buổi sáng. Có lần, vừa ra khỏi cổng trường tôi bị bể bánh xe. (Không biết do lối suy nghĩ nào của tôi, mà từ nhỏ đến khi học hết 12, tôi tuyệt đối không bao giờ mượn tiền người khác). Thế là phải dắt bộ về. Thông thường, khoảng 6h tôi sẽ đạp xe về đến nhà. Hôm đó dắt bộ, nên gần 7h tôi mới về đến. Vừa bước nửa chân qua cửa, đầu óc tôi chợt tối xầm vì một cái tát như trời giáng, giọng ba quát lên đầy cay độc: “Đồ con đĩ! Mày học hành gì mà giờ này mới về nhà. Tao nói rồi, cái thứ như mày lớn lên chỉ đi đứng đường chứ làm được cái tích sự gì, đi học cho tốn tiền tốn của”. Tôi chết đứng, ngỡ như mình không còn cảm giác, không nhận thức được gì xung quanh nữa, tôi nhìn thẳng vào mặt ba vô hồn: “Ông hãy nhớ lấy câu nói của ông ngày hôm nay!”.

Ba tôi chồm lên: “Con đĩ, mày nói gì”.

Mẹ tôi tất tả chạy ra: “Chưa hỏi sao nó về trễ mà chửi nó là sao”.

Ba càng quát lớn hơn như sợ tôi không nghe thấy: “Tao đã nói với mày là cái thứ nó cho đi học tốn tiền tốn của nhưng không được tích sự gì mà. Mày coi học gì mà giờ này nó mới về nhà.”

Tôi lẳng lặng dắt xe vào, không một lời giải thích. Lần đầu tiên, một suy nghĩ phản kháng loé lên trong đầu tôi, tôi dừng lại nói bâng quơ: “Coi như tôi làm người ở cho cái nhà này cũng dư tiền ông cho tôi đi học.”. Mẹ tôi quát với vào: “Con đừng mất dạy!”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét