Sang lớp 5, tôi phải chuyển ra trường ngoài thị xã học. Trường cách nhà tôi hơn 3km. Hàng ngày tôi phải dậy từ 5h sáng, chuẩn bị và đi bộ đến trường. Xóm tôi chỉ có 2 đứa nữa học chung trường với tôi, nhưng lại khác buổi, nên mỗi sáng tôi phải đến trường một mình.Thưở ấy, món mà tôi thích ăn nhất vào mỗi buổi sáng là Bánh mì Kem – 400 đồng/ổ. Ổ Bánh mì nóng, được xẻ dọc và bỏ vào hai thẻ Kem, khi cắn những miếng đầu tiên, cảm giác cứng của Bánh mì mới và xực xực lạnh lạnh của Kem còn chưa tan, cứ như sự khởi đầu của một hành trình chinh phục đầy thú vị. Khi ổ bánh mì ngắn dần thì cũng mềm dần, và miếng bánh cuối cùng được cho vào miệng mới mềm mại và ngọt lịm làm sao. Bánh mì Kem là món ăn sáng duy nhất theo tôi suốt 2 năm học lớp 5 và lớp 6, vậy mà tôi ăn hoài không ngán, cứ mỗi sáng thả bộ đến trường lại hồ hởi chờ đợi dáng bác bán Bánh mì nghiêng nghiêng – gầy guộc, xuất hiện xa xa trong màn sương mờ ảo…
Năm lớp 5, tôi không có nhiều bạn, những người bạn thị xã kiêu kì – xa cách khiến tôi không thích đến gần họ, tôi chỉ có hai người bạn thân nhất là Diễm và Hoa Hường. Hoa Hường là con của cô chủ nhiệm năm lớp 1 của tôi – mái tóc dài đen mượt đến tận thắt lưng, luôn được tết thành 2 bím mỗi khi đến lớp, Hoa Hường hiền và dịu dàng như một bông hoa miền sơn dã, mang màu hồng của hạnh phúc bình yên. Diễm thì khá nghịch ngợm với mái tóc bồng chấm vai, đôi mắt to sáng linh động, luôn là người “bảo kê” tôi trong các trò chơi (vì tôi chơi rất dở).
Bước vào lớp 5, tôi bắt đầu... lãng mạng hơn. Có lần, tôi xin mẹ một cuốn sổ tay nhỏ, và bắt đầu... làm thơ. Nhưng chẳng có bài thơ nào ra hồn cả. Đa số chỉ là những dòng vơ vẩn, viết xong rồi đọc một mình không dám khoe ai, những dòng thơ đầu tiên tôi viết là:
"Thưở ấy trong tôi thật bất ngờ
Đa tình tức cảnh học làm thơ
Ngắm con bướm trắng lòng cứ ngỡ:
Nó cũng như mình... thích mộng mơ"
Hay có khi chỉ là những cảm xúc bất chợt trẻ con:
"Mùa thu cho lá chèo thuyền
Chở em đi khắp bến bờ quê hương"
Cũng có lúc buồn thì hơi "tự sự" một chút:
"Đêm đến lặng nghe gió sau nhà
Để tìm trong ấy ít hương hoa
Để nghe tận đáy lòng rộn rã
Một chút đơn sơ hoá đậm đà..."
Vào lớp 5 được vài tháng, trường tôi thi tuyển chọn học sinh đi tham gia học sinh giỏi vòng tỉnh, khối 5 cần bình chọn ra hai học sinh thi Văn và thi Toán. Lớp tôi là lớp chọn của khối 5, nói bình chọn cả khối cho… sang, chứ thật ra ai cũng biết chỉ cần chọn ra 2 người trong lớp tôi là đủ. Môn toán thì khỏi cần bình chọn, khi con cô chủ nhiệm là 1 trong 3 người học giỏi toán nhất lớp (2 người còn lại là tôi và Hoa Hường), dĩ nhiên chiếc vé môn Toán đã “mặc định” có chủ nhân. Chỉ còn lại ứng cử viên môn Văn, là cuộc thi của 3 chúng tôi (Mai – con cô giáo, Hoa Hường và tôi).
Sau khi Hoa Hường và Mai cùng đạt điểm 8 bài thi tuyển chọn, bài của tôi vẫn chưa được chấm điểm, tôi còn nhớ đó là bài tập làm văn viết về “Con Cáo và Tổ Ong”. Phát bài cho 2 bạn xong, cô chủ nhiệm kêu tôi lên phòng hiệu trưởng, nhỏ nhẹ hỏi tôi: “Bài tập làm văn này em đã dùng văn mẫu trong sách giải nào vậy, sao thi tuyển học sinh giỏi đi dự thi mà em lại dùng sách giải”. Tôi ngơ ngác, lần đầu tiên ra thị xã học, tôi chỉ mới biết sơ sơ về một thứ có tên là “sách giải” vì thấy dường như trong lớp bạn nào cũng có, chứ chưa từng được xem qua trang nào trong cuốn sách ấy. Tôi không biết phải nói gì, chỉ nói rằng: “Em không dùng sách giải”, rồi thôi. Sau khi về lớp, ngồi suy nghĩ, tôi mới lờ mờ nhận ra sự việc… Tự nhiên cảm thấy buồn muốn khóc, mà cũng không hiểu vì sao.
Hoa Hường là thí sinh được chọn đi dự thi môn Văn. Nghe tin, cô chủ nhiệm lớp 2 và thầy chủ nhiệm lớp 4 tới tìm cô Phượng (tên cô chủ nhiệm của tôi) hỏi vì sao người được chọn không phải là tôi. Cô Phượng nói rằng bài văn của tôi tuy rất hay nhưng một học sinh lớp 5 bình thường không thể viết một bài văn như thế, cô còn đang tìm hiểu xem tôi đã dùng văn mẫu trong sách giải nào. Sau khi cả cô chủ nhiệm lớp 2 và thầy chủ nhiệm lớp 4 dùng mọi lý lẽ đảm bảo và bão lãnh vẫn không thuyết phục được cô Phượng, thầy chủ nhiệm lớp 4 của tôi đã nói với cô Phượng rằng: “Chị cứ tìm cả đời đi, vì Trần Lê Phụng không bao giờ dùng sách giải”. Và thầy đến lớp an ủi tôi, tôi không thấy buồn nữa, chỉ cảm thấy thật hạnh phúc và cảm ơn thầy rất nhiều, vì thầy luôn tin tưởng tôi. Suốt 12 năm học phổ thông, tôi đã tuyệt đối không đụng vào sách giải của bất kì môn học nào.
Hoa Hường và Mai đều đoạt giải 3 trong cuộc thi học sinh giỏi vòng tỉnh, sau khi thi tốt nghiệp được tuyển thẳng vào lớp 6 một trường Chuyên. Tôi thiếu tuổi nên kết quả năm năm liền học sinh giỏi chỉ mang lại cho tôi quyền được thi tốt nghiệp, sau đó muốn vào lớp 6 trường nào phải vác hồ sơ đến trường đó đăng kí dự thi. Ngoại tôi luôn mơ ước được nhìn thấy tôi mặc áo dài vào năm lớp 6, từ giữa năm lớp 5, Ngoại đã may cho tôi một chiếc áo dài thật đẹp bằng loại vải mắc tiền nhất bấy giờ, chỉ cho tôi mặc vội 1 lần lúc thử áo rồi treo lên, bắt tôi phải đợi ngày vào lớp 6 mới được mặc cho ý nghĩa. Ngày ngày, hai bà cháu vẫn nhìn chiếc áo thèm thuồng trong niềm hạnh phúc… Tôi biết Ngoại yêu tôi lắm, từ khi có tôi, tôi là tất cả cuộc sống đối với bà…
Tỉnh tôi có 3 trường cấp 3 lớn: Trong đó có 1 trường Chuyên, 1 trường Dân lập và 1 trường Bán công. Tôi muốn vào trường Chuyên, nhưng vì chỉ có trường Dân lập là lớp 6 được mặt áo dài nên tôi nộp đơn thi vào trường dân lập.
Ngày nộp hồ sơ thi tuyển, tôi đi một mình cuốc bộ mang hồ sơ đi nộp vì không muốn Ngoại già rồi còn vất vả vì tôi. Không ngờ, các thầy cô ở phòng nhận hồ sơ từ chối nhận hồ sơ của tôi vì tôi không đủ tuổi, tôi hỏi: “Con không đủ tuổi nhưng con đã thi tốt nghiệp loại giỏi và 5 năm liền học sinh giỏi tại sao con không được thi tuyển”. Các thầy cô chỉ lắc đầu cười: “Con không đủ tuổi mà đậu tốt nghiệp thì con chỉ được vào học ở trường Bán Công thôi”. Tôi tức ứa nước mắt, nhìn qua bên trái có cánh cửa phòng, bên trên treo biển “Phòng Hiệu Trưởng”, tôi nhanh chân… xông vào.
Thầy Hiệu Trưởng già với khuôn mặt phúc hậu phải đưa tay đỡ mắt kính vì bất ngờ trước sự xuất hiện… không được báo trước của tôi. Sau khi ra dấu cho các thầy cô cũng vừa… xông vào sau lưng tôi, thầy hiền từ:
- Con có chuyện gì muốn trình bày với thầy!
- Dạ thưa thầy con muốn nộp hồ sơ thi tuyển vào lớp 6 nhưng các thầy cô bên ngoài không chịu nhận hồ sơ của con.
Thầy lại đưa tay… nâng mắt kính:
- Sao các thầy cô lại không nhận hồ sơ của con?
Tôi đưa tập hồ sơ về phía thầy:
- Các thầy cô nói rằng con không đủ tuổi, nhưng cô hiệu trưởng lớp 5 của con đã nói, nếu con 5 năm liền học sinh giỏi và thi tốt nghiệp đoạt loại giỏi thì con sẽ được dự thi mà. Tại sao lại không nhận hồ sơ của con? Tôi ứa nước mắt…
Thầy đón tập hồ sơ từ tay tôi, sau một hồi xem xét, thầy lấy bút kí lên tập hồ sơ rồi mỉm cười dịu dàng:
- Con nói đúng, các thầy cô bên ngoài đã làm sai rồi, con đủ điều kiện để dự thi mà.
Nói rồi thầy đứng dậy rời khỏi bàn, xoa đầu và đưa tay đỡ sau lưng dắt tôi ra ngoài. Thầy đưa tập hồ sơ cho một giáo viên rồi quát khẽ như đùa:
- Người ta 5 năm liền học sinh giỏi đủ điều kiện mà không cho dự thi, mấy thầy cô sẽ bị phạt hết nghe chưa.
Mọi ngừơi đều cười xoà, lắc đầu. Sau khi nhận hồ sơ, cô thư ký yêu cầu tôi đóng 5000 tiền lệ phí. Tôi giật mình, tôi không biết là phải đóng lệ phí thi. Từ nhỏ tới lớn tôi có bao giờ được cho hơn 1000 đâu mà có sẵn 5000 đóng lệ phí. Nhưng lỡ giờ đem hồ sơ về, mai lên nộp lại người ta lại không nhận nữa thì sao? Tôi toát mồ hôi, suy nghĩ một chút, tôi vội vàng: “Cô chờ con chút nghe”, rồi không đợi cô trả lời (vì sợ bị từ chối), tôi chạy như bay ra ngoài. Đi lòng vòng một hồi, tôi đánh bạo đến bên cô hàng nước bên đường, rụt rè:
- Cô ơi, cô có thể cho con mượn 5000 đóng lệ phí thi được không? Ngày mai con sẽ đem trả cho cô. Hôm nay không đóng, con sợ người ta không cho con thi nữa.
Cô hàng nước nhìn tôi hiền từ:
- Mẹ con đâu?
- Dạ con đi một mình, mẹ con đi làm ăn xa rồi.
Cô hàng nước mỉm cười không nói, lấy 5000 đưa cho tôi:
- Chúc con thi may mắn nha.
Tôi toe miệng cười rạng rỡ, tôi không thể ngờ rằng một người xa lạ có thể dễ dàng cho người khác mượn tiền như thế.
Hôm sau, Ngoại dắt tôi đến trả tiền cho cô hàng nước. Hai người đã có một buổi trò chuyện vui vẻ với nhau. Còn tôi, tôi thấy mình thật hạnh phúc và may mắn…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét