Thứ Năm, 21 tháng 2, 2013

Tự truyện: Cỏ Hát (Phần XX)

TLP’s Story (Phần XX)

Lúc học xong HK1, mẹ dắt Ngân, Duyên (em út tôi, lúc này mới 3 tuổi) ra Fangrang ở cùng tôi. Hình như ba và mẹ ở nhà có nhiều bất đồng gì đó. Lúc đó Ngân đang học lớp 1, được vào học tiếp HK2 chung lớp với con dì hai. Dì hai làm y sĩ ở bệnh viện Ninh Thuận. Thời gian đó mới đấu thầu bãi giữ xe của bệnh viện. Thế là mẹ tôi và dì ba bắt đầu công việc mới – giữ xe cho hợp đồng của dì hai, mỗi người được dì hai trả công 600.000/tháng.Bé Ngân học bán trú chung với con dì hai. Sáng đi học, chiều về nhà, nên tôi không phải bận tâm nhiều. Nhưng còn bé Duyên. Một con bé lớp 7, vừa đi học, vừa làm việc nhà, lại phải trông em là một vấn đề khá nan giải với tôi. Nên dì hai kêu tôi bế bé Duyên đi gởi ở một trường mẫu giáo tư nhân cách nhà khỏang 1,5 km. Ngày đầu tiên bế bé Duyên đến trường, tôi vừa ra tới cửa là con bé khóc ré lên rất thảm thiết. Sau một hồi do dự, giằng co với con bé và cô giáo, tôi quay lưng chạy một mạch về nhà. Về đến nhà, không an tâm, tôi nhấc điện thoại gọi đến trường, khi đầu giây bên kia vừa nhấc lên là tôi đã nghe tiếng khóc tức tưởi của bé Duyên. Cô giáo trấn an tôi rằng cứ để con bé khóc, vài hôm thì sẽ quen. Gác điện thoại, bụng tôi như lửa đốt, tôi lại chạy một mạch đến trường mẫu giáo, nấp ngoài cửa rào, 10 phút, 20 phút, nghe tiếng bé Duyên vẫn khóc ròng rã bên trong, tôi không thể nào chịu nổi. Nhưng nếu biết tôi tới thăm em, cô giáo chắc sẽ không cho tôi vào, vì cô muốn con bé quen trường quen lớp. Suy nghĩ một lúc, tôi tiến đến cửa rào kêu to: - Cô ơi cho con vào lấy đồ bỏ quên trong cặp bé Duyên cái!

Vừa nghe thấy tiếng tôi, bé Duyên chạy như bay ra cửa, nước mắt ngắn dài: - Chế ơi đừng bỏ em ở đây!

Tôi rơi nước mắt, ôm chầm lấy con bé. Cô giáo gỡ tay tôi ra, hiền từ: - Em như vậy thì em của em không thể đi học được đâu! Bé nào mới đi học cũng đều như vậy hết.

Mặc cho cô giáo kéo, con bé cứ gì chặt lấy tôi, nấc không thành tiếng với ánh mắt van lơn. Cầm lòng không đặng, tôi giật phắt lấy con bé chạy như bay ra khỏi trường, giông thẳng về nhà, mặc cho cô giáo hốt hỏang chạy theo một đọan gào lên thảng thốt. Tôi cứ thế ôm bé Duyên cắm đầu cắm cổ chạy không ngừng. Về đến nhà, tôi thở chẳng ra hơi, bé Duyên tay vẫn ôm chặt cổ tôi, nhưng không khóc nữa mà cười thành tiếng đầy hạnh phúc, làm tôi cũng bật cười theo. Suốt buổi hôm đó, con bé cứ lẽo đẽo theo chân nhìn tôi làm việc nhà như biết lỗi, và như nó cũng biết khi mọi người về đến nhà, chắc chắn hai chị em sẽ bị một trận nên thân.

“Đúng như dự đóan của giới chuyên môn”. Sau khi nghe cô giáo điện thoại mách về “phi vụ cướp em ở trường mẫu giáo”, dì dượng hai về nhà mắng cho tôi một trận và đòi mang bé Duyên trở lại trường. Tôi khóc ròng ôm chặt con bé nài nỉ: - Bé Duyên nó không thích đi học đâu! Con sẽ giữ em mà, dì đừng đem nó trở lại trường, nó khóc suốt ngày sẽ sưng mắt hết, rồi nó sẽ không ăn cơm được.

Bé Duyên cũng ôm riết lấy tôi khóc rống lên. Bất lực vì không dạy được tôi, dì hai điện thoại lên bệnh viện kêu mẹ tôi về kèm theo lời răn: - “Ừ, thương em không đúng cách, tao cho mày ẵm theo em mà đi học”.

Tôi không nói, lầm lì. Mẹ về, điều đầu tiên – mẹ cũng sạc cho tôi một trận. Sau một hồi nghe tôi kể lể con bé khóc suốt từ lúc đặt chân đến trường, mẹ tôi cũng dịu đi, và chọn giải pháp mang theo bé Duyên lên chổ giữ xe chứ không cần gởi vào trường mẫu giáo.

Dường như con nít khác mẹ ở chung một nhà không sớm thì muộn cũng sinh chuyện thì phải. Và gia đình tôi cũng không ngoại lệ. Trái ngược với thái độ vui vẻ khi tôi vừa bước chân vào nhà dì hai, theo thời gian, Na – con gái lớn của dì bắt đầu có thái độ không xem tôi là chị em nữa mà xem như… người giúp việc. Thái độ đó càng hiện rõ khi mẹ và hai em tôi lên bổ sung vào danh sách… ở nhờ. Không những xem thường tôi, mà Na không tôn trọng cả mẹ tôi, ghét các em tôi.

Một hôm, không biết do khí trời thay đổi thế nào mà Na – đại tiểu thư chưa bao giờ làm động móng tay bổng xách chổi… quét nhà. Lúc đang quét thì bé Ngân đi ngang qua, sẵn tiện, Na cầm luôn cây chổi phang vào lưng em tôi một cái “hự” kèm theo tiếng quát: - “Tao đang quét nhà mà mày chàng ràng trước mặt tao vậy!” Ngân có vẻ đau lắm, khóc ré lên, tôi sừng cộ:

- Sao tự nhiên vô cớ đánh em người ta!

Na quắc mắt: - Ai biểu tao đang quét nhà nó chàng ràng trước mặt tao chi!

- Vậy cũng không được vô cớ đánh em người ta!
- Nhà mày ở nhờ nhà tao! Tao thích đánh thì tao đánh! Mày dám làm gì tao!

Tôi quát lên, chỉ vào mặt Na: - Tao cho mày biết! Em tao, tao còn chưa đánh, và ngoài tao ra không ai được đánh nó!

- Tao đánh rồi sao!
- Thì tao cho mày biết tay! Bốp! Tôi tát một cái như trời giáng vào mặt Na. Na buông chổi, hai đứa tôi lao vào nhau, nắm đầu, đấm đá túi bụi…

Tôi thường đánh nhau, nên dĩ nhiên Na… bị tôi đánh nhiều hơn là đánh được tôi. Người lớn về… Na mách là bị tôi đánh, dì hai chửi mẹ tôi không biết dạy con, vì con dì hồi nhỏ đến lớn chưa từng biết đánh nhau… Mẹ khóc, chửi tôi ở nhờ nhà người ta mà không biết thân biết phận, tôi giải thích, mẹ và dì ba không tin mà chỉ chửi tôi, tôi ức, chạy ù ra khỏi nhà…

Tôi chạy mãi, chạy mãi… rất lâu sau, không còn sức chạy, tôi dừng lại ngồi xuống bên đường, khỏang nửa tiếng sau thì dì ba đến bên cạnh. Dì to nhỏ bảo tôi rằng không phải dì và mẹ không tin tôi, mà vì dì hai là chị cả, vì mẹ tôi ở nhờ, nên mẹ tôi phải hành xử như thế cho vẹn cả đôi đường. Dì bảo rằng đôi khi người mẹ buộc phải mắng con mình dù người ta không muốn thế, nhưng người ta phải làm như thế để mọi việc được êm xuôi. Dì nói nhiều, nhiều lắm… Và tôi theo dì trở về nhà, không nói một tiếng chuyện với ai, kể cả mẹ, mẹ nằm quay mặt vào tường, chỉ khóc và khóc.

…Một ngày cuối năm lớp 7, khi vừa nghỉ hè xong, tôi được biết mẹ quyết định quay về Cà Mau, và đã rút học bạ của tôi ở trường. Không kịp cho tôi sửng sốt, không kịp cho tôi nói một lời tạm biệt với bất kỳ ai… Mẹ dắt tôi về quê trên một chuyến xe vội vã. Tôi thẫn thờ, những giọt nước mắt nghèn nghẹn như trực chờ rơi lại phía sau ô cửa xe vùn vụt lao đi, tôi có cảm giác như có ai đó vừa lấy đi của tôi một thứ gì quan trọng lắm, cảm giác như mình vừa đánh rơi trong vô thức cả một khỏang trời…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét