Thứ Năm, 21 tháng 2, 2013

Viết cho ngày Trung thu

Tết Trung thu không rộn ràng bằng tết Nguyên đán, nhưng cũng là dịp để gia đình sum họp, ngồi lại bên nhau, cùng ăn bánh dẻo, uống trà, ngắm trăng...Mới đây mà đã giữa thu, những cơn mưa chiều tầm tã gội qua những tán lá vàng khắp nẻo đường thành phố buồn man mác. Xa xa đâu đó, thấp thoáng những gian hàng lồng đèn rực rỡ, những quầy bánh xôn xang…, những mái ấm tràn ngập tiếng cười đùa; những cô bé, cậu bé xinh tươi đang xúng xính áo quần đẹp và lồng đèn mới, nô nức chờ đến trung thu.

Và… lẩn khuất đâu đó, những đứa trẻ tinh tươm trong bộ đồng phục học trò ngã màu mưa nắng - với xấp vé số trên tay cần mẫn bước ngoài giờ đến lớp; hay những đứa trẻ lang thang giương cặp mắt to ngơ ngác nhìn đời với mảnh áo vá tay chằn chịt, không biết đi đâu và chẳng biết về đâu… Liệu các em có biết có một ngày được gọi là trung thu?

Cách đây hơn 2000 năm, vào thời Bắc Tống, ngày 15/8 Âm lịch được chọn là ngày lành để tế thần mặt trăng. Ở nước ta và một số nước Châu Á, ngày 15/8 âm lịch được xem hẳn là ngày tết – Tết trung thu – tết của trẻ em.

Tết Trung thu không rộn ràng bằng tết Nguyên đán, nhưng cũng là dịp để gia đình sum họp, ngồi lại bên nhau, cùng ăn bánh dẻo, uống trà, ngắm trăng, cùng thắp lên ngọn nến ấm áp tự lòng mình, tận hưởng hạnh phúc khi những đứa trẻ “nhà mình” và cả những đứa trẻ khắp nơi đang vô tư đùa nghịch cùng những chiếc lồng đèn đủ màu, đủ sắc. Đơn giản mà thi vị. Có mấy ai nén được không nghĩ về hình ảnh của mình một thưở ấu thơ…

Bánh trung thu phong phú về chủng loại, đa dạng về giá tiền. Và lồng đèn trung thu cũng thế. Tết Trung thu, dù là gia đình nghèo nhất cũng cố mua cho con mình một vài mẫu bánh, sau đó tự tay làm cho chúng chiếc lồng đèn, thế nào cũng được, chỉ cần thắp được đèn cầy vào đó, cũng đủ là trung thu…

Ngày xưa, lúc tôi còn nhỏ, quê tôi nhiều vùng còn nghèo lắm, và xóm tôi cũng thế. Tôi nhớ cứ mỗi năm vào dịp trung thu, các thầy cô luôn dặn học trò mình đêm 15/8 phải mặc bộ đồ đẹp nhất của mình, tập trung đầy đủ. Hôm đó, sẽ có các cô chú ở xa chở thật nhiều quà bánh đến, chở theo cả ti vi, đầu máy, chiếu phim hoạt hình cho chúng tôi xem giữa sân trường. Thưở đó, trong vòng bán kính 2km, chỉ có 1-2 nhà là có ti vi. Phim hoạt hình đối với bọn trẻ chúng tôi là một món quà xa xỉ và kỳ diệu.

Tiếng côn trùng thi nhau gọi bạn, ánh trăng tròn vành vạnh trên cao, những chiếc lồng đèn ngôi sao được treo khắp nơi, lập loè ánh nến, những trò chơi vui nhộn… Học trò chúng tôi mỗi đứa được phát 1 phần quà là một bọc gồm nửa cái bánh bía và nửa cái bánh in nho nhỏ. Đứa nào học giỏi sẽ được ưu tiên nhận 2 phần. Tôi luôn cố gắng học giỏi để đem hai phần về, chia cho mấy đứa trong xóm không được đến trường. Bù lại, chúng sẽ làm đèn lon cho tôi. Những chiếc đèn trung thu không phải là đèn lồng cầm trên tay, mà là đèn lon dùng để… đẩy. Đèn lon có bánh xe, đèn lon có thể xoay tròn với những khe hở để ánh nến tha hồ nhảy múa. Không những thế, đèn lon còn có âm thanh leng keng…leng keng… vui tai, rộn rã… Tất cả… làm cho chúng tôi luôn mong chờ đến một ngày trung thu…

Khi tôi lớn lên, xóm tôi không những không còn là xóm nghèo mà còn là một trong những khu vực giàu có và sầm uất nhất tỉnh. Em tôi đi học, đến Trung thu không còn thích chơi đèn nến mà chỉ thích dùng… lồng đèn điện. Tụi nhỏ xóm tôi không quan tâm đến cái gọi là bánh trung thu, thậm chí, có mua về loại bánh to nhất, đắt tiền nhất, chúng cũng chẳng thèm động đến. Ờ thì xem như mỗi thời mỗi khác, chúng cũng có niềm vui riêng của chúng, có thứ mà chúng mong muốn, chờ đợi… chỉ là không giống với mình ngày xưa.

Còn những nơi khác thì sao? Tôi tin là nhiều nơi trong những thành phố sầm ất nói riêng và trên đất nước nói chung vẫn còn những xóm nghèo như xóm của tôi ngày ấy. Vẫn còn những đứa trẻ đến trung thu lại mong đợi một phần quà dù chỉ là nửa chiếc bánh trong một cái bịch con con. Quý làm sao một bàn tay, một tấm lòng… như những tấm lòng đã mang lại hạnh phúc bé nhỏ khi xưa mà tôi được nhận.

Đôi khi một hành động tưởng chừng như đơn giản đủ làm nên một hạnh phúc chẳng đơn giản chút nào.

Đôi khi vì những điều tưởng chừng như đơn giản lại tạo nên thành tích và những điều kỳ diệu ở mai sau.

Nuôi dưỡng nhân tâm, sẻ chia nhân ái, cuộc sống luôn cần lắm những tấm lòng, nối tiếp nhau đẹp mãi với thời gian.

31/08/09

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét