Thứ Năm, 21 tháng 2, 2013

Về Miền Tây tát đìa, thử thú bắt hôi

Tát đìa, là một hoạt động đánh bắt cá đặc trưng của vùng Miền Tây Nam Bộ. Thông thường, tát đìa là việc thu hoạch cá sinh trưởng tự nhiên trong những ao, đầm, mương rạch… có sẵn, hoặc những ao nhà được thả cá nuôi thêm không có chủ ý kinh doanh. Với đối tượng nuôi cá mang tính thương mại, họ sẽ đầu tư cho việc đánh bắt định kỳ thường gọi là “xổ vuông”.Thuở Miền Tây xưa chưa được đô thị hoá mạnh, trừ khu vực trung tâm tỉnh, về địa lý đa số nhà nào cũng có ít nhất một cái ao, đìa nhỏ. Mùa mưa nước lên, cá sinh trưởng mạnh, đến mùa nắng mực nước vơi đi nhiều, là lúc bà con thi nhau tát đìa bắt cá, một phần do thời điểm này cá con đã đủ trưởng thành. Sở dĩ người dân thường tát đìa vào mùa nắng vì mùa nắng nước ao cạn, tát sẽ nhanh, nếu tát bằng tay thì đỡ tốn công, tát bằng máy thì đỡ tốn dầu. Bên cạnh đó, một số nhà có ao lớn thường thích để dành, tát đìa vào cận tết để ăn tết cho hoành tráng.

Thưở bé, tôi sống trong một xóm nhỏ ôn hoà, mọi người rất thân tình – hoà thuận với nhau; có trái mướp, bó rau, tô chè, con cá… cũng đem chia hàng xóm. Mỗi nhà trồng mỗi thứ, ai thích ăn gì nhà mình không có thì cứ tự nhiên qua nhà khác mà xin, người xin lẫn người cho đều nhiệt tình, vui vẻ; thỉnh thoảng nhà nào nấu xôi, chè, làm bánh… là cả xóm như có tiệc. Mùa tát đìa thì khỏi nói, như trẩy hội, có kế hoạch hẳn hoi, mọi người phân nhau nhà nào sẽ tát ngày nào… vì tát cùng lúc cá nhiều ăn không hết, sẽ phí.

Trừ trường hợp nhà nào ao nhỏ, tát gia đình, có nhiều thì biếu hàng xóm, ít để dành ăn. Còn nhà có ao lớn, trước ngày tát đìa, gia chủ sẽ đi thông báo cho hàng xóm biết ngày, giờ cụ thể bắt đầu tát để ai rảnh hôm đó thu xếp sang bắt cá phụ, hoặc chuẩn bị bắt hôi. Nếu ao lớn, tát bằng máy, nhà có máy sẽ mang cho nhà không có mượn. Nếu ao nhỏ, thích tát bằng tay, thì chuẩn bị gàu, lên danh sách người tát. Riêng nhà gia chủ sẽ chuẩn bị sẵn mấy lu lớn đặt bên hè, đội ngũ xách cá từ ao vào – phân loại cá: Cá sặc, cá lóc, cá trê, cá rô… Mỗi thứ rộng 1 lu, lu nào dành riêng cho cá lớn, lu nào dành riêng cho cá nhỏ; Những con cá to nhất bắt được sẽ được làm tiệc đãi cả xóm. Sau khi việc bắt cá kết thúc, xả nước lại vào ao, lu cá nhỏ sẽ được thả về ao cho sinh trưởng tiếp; đó là cái chất của người quê.

Tôi thích nhất tát đìa bằng máy, tôi không biết bắt cá, nên mỗi dịp tác đìa tôi luôn dành vị trí ngay ống nước. Thông thường khi ao có động, đa số cá sẽ lặn xuống tận đáy hoặc vùi vào bùn, chú nào… nhí nhảnh bơi lăng quăng không đi trốn sẽ bị hút theo đường nước xả ra ngoài, khi đó đã có tôi canh me ngay đầu ống với một cái rổ tre to…

Nước cạn, mọi người sẽ xuống ao bắt cá, đợt bắt chính này tất cả số cá thu được đều thuộc về gia chủ. Tuy nhiên sau khi “kiểm kê” số lượng, gia chủ sẽ mang ít cá đến từng nhà người bắt phụ mình biếu để cảm ơn. Việc biếu là hoàn toàn tự nguyện. Bên cạnh đó, sau khi gia chủ tuyên bố không bắt nữa (xem như kết thúc đợt bắt chính), cho bắt hôi, thì thời gian từ lúc gia chủ tuyên bố đến lúc xả nước trở lại ao, ai cũng có quyền bắt hôi, đây được xem là đợt bắt phụ, thường là sau đợt bắt chính khoảng 1-2 giờ đồng hồ cho bớt động, chú cá nào trốn kỹ sẽ từ từ chui ra, bắt hôi thì ai bắt được bao nhiêu là của người đó, dù có bắt được cá to hơn của gia chủ cũng vậy.

Có vài trường hợp gia đình nào sống cá nhân quá, khi tát đìa không cho ai bắt phụ, để đỡ phải chia, nhưng đó chỉ là trường hợp hiếm trong cách sống của người dân Miền Tây Nam Bộ tính tình phóng khoáng.

Cá lóc đìa sinh trưởng tự nhiên, con nặng nhất thường khoảng 1,5kg. Cá để sống, dùng sậy trúc già vạt nhọn đầu, xuyên dọc thân từ miệng cá xuống đuôi, cắm trút đầu xuống đất, quăng một ụ rơm nhỏ phủ lên, bật quẹt… Lửa tàn… có ngay một chú cá lóc nướng trui thơm phức, rút sậy ra, đặt lên lá chuối xiêm… Trời đầu đêm… nhâm nhi vài xị đế…

02/08/2010

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét