Thứ Năm, 21 tháng 2, 2013

Tự truyện: Cỏ Hát (Phần VIII)

TLP's Story (Phần VIII)

Thời cấp I, tôi học trong một ngôi trường nhỏ chỉ có 2 phòng học – 2 lớp buổi sáng và 2 lớp buổi chiều, từ lớp 1đến lớp 4, chứ không có 1 khối gồm nhiều lớp A, B, C, D… như bây giờ. Trường tôi khá cũ kĩ, nằm trong khoản không gian rộng. Bên trái là một hàng Bình Bát, có trái quanh năm. Và vì bà con trong xóm thường mượn sân trường suốt lúa vào mùa hè, nên bên phải dãy phòng học là một cây rơm cao – địa điểm lý tưởng cho những trò vật nhau giờ ra chơi của tôi và… bọn con trai trong trường . (Vì đám con gái ngoài tôi ra chẳng ai chơi trò này cả). Cứ trèo lên đỉnh cây rơm, rồi vật nhau xem đứa nào lăn xuống trước. Cứ đến giờ vô học người đứa nào cũng đầy mùi rơm rạ, tóc tai bù xù. (Sau này, người có thể làm tôi bỏ trò chơi… bạo lực này là thầy chủ nhiệm năm lớp 4 của tôi.). Trước sân trường là 1 cây Bần già, dáng đứng nghiêng nghiêng với vòm tán rộng, học trò trong trường hay tập họp thành vòng tròn quanh gốc Bần chơi trò “xay bòn bon”. Tôi còn chưa thấy cây Bần ra hoa được lần nào thì đến năm 1997, một cơn bão ập về Cà Mau, cuốn dáng Bần nằm chỏng trơ gốc rễ sau một đêm vần vũ.Sau lưng dãy phòng học trường tôi có 2 cây Cà Na rất to. Một cây thẳng tuột và 1 cây có 3 nhánh tẻ ra từ gốc như 3 chữ V ghép vào nhau. Đến mùa đậu quả, từng chùm hoa li ti trắng xoá một góc trời, đẹp mê ly. Sau đó là từng chùm trái xanh lủng lẳng, đu đưa trong gió. Tôi có sở thích mỗi sớm tinh mơ chạy ào ra, tìm nhặt những trái cà na đã chín rụng xuống gốc, chúng có một mùi thơm xen lẫn trong vị chua dịu rất đặc biệt và dễ… ghiền. (Khác hẳn với trái chín ở trên cành). Bạn tôi, ba anh em nhà nọ trong xóm, năm nào cũng đến mùa là xách bao sang “vặt” trái 2 cây Cà Na đem đi bán. Và mùa nào tôi cũng là người hái tiếp hăng hái nhất, vì tôi trèo cây rất giỏi, có thể đu người từ cây này qua cây khác như… tazan trước sự hết hồn của chúng bạn. (May là chúng không mách lại với Ngoại tôi. Không thì thế nào tôi cũng bị cấm cửa chẳng được ra ngoài để trèo cây nữa). Ngược lại, cạnh bên cây cà na là một cây Gòn, mỗi mùa cây Gòn đậu quả, già và rụng xuống, ba anh em nọ sẽ mang bao nhặt quả Gòn đưa tôi đem về, để dành cho Ngoại dồn gối. Gối đã làm rồi thì mỗi năm sẽ được tháo ra để thêm Gòn. Tôi có một gối nằm, 1 gối ôm dồn Gòn do Ngoại làm từ nhỏ. Trải qua nhiều năm, 2 chiếc gối “thâm kim”, cũ mèm và cứng ngắc, nhưng tôi vẫn chỉ ngon giấc nhất khi ngủ cùng 2 chiếc gối này. Tiếc là đến năm 2002, khi tôi đi học xa nhà, vắng tôi, em gái tôi đã “mừng rỡ” đem quẳng 2 cái gối thân yêu của tôi tận bãi rác. (Nó nói vậy cho…chắc ăn). Vì nó sợ tôi bị… ung thư đầu khi gối mãi 2 cái gối “đen đến kinh dị”…

Ngoài cô lớp 1, người đã yêu thương, nâng niu giúp tôi những nét chữ đầu tiên. Thì 1 trong 3 người tôi ấn tượng nhất thời phổ thông chính là thầy chủ nhiệm lớp 4. Thầy là con trai một gia đình giàu có ngoài thị xã, không biết vì lý do gì lại thích về trường tôi dạy học, và chỉ dạy 1 năm, thầy chủ nhiệm lớp tôi năm thầy 21 tuổi. Thầy rất vui tính và… đẹp trai. Lúc làm bài kiểm tra chất lượng đầu năm môn văn, thầy rất tâm đắc bài văn miêu tả “con đường đến trường” của tôi, và cho tôi điểm 9. Điểm 9 môn văn không còn xa lạ với tôi, lời khen: “Bài văn của em là bài văn đặc biệt và hay nhất trong những bài văn tiểu học mà thầy/cô từng đọc”, cũng không lấy gì làm xa lạ với tôi. Nhưng đó là điểm 9 môn Tập Làm Văn những năm tiểu học làm tôi vui và nhớ nhất. Cũng không biết vì sao nữa.

Từ ấn tượng bài văn đầu năm học đó, thầy bắt đầu quan tâm đặc biệt tới tôi. Giờ ra chơi, thầy mang theo lượt, chải tóc cho tôi. Thầy không cho tôi chơi đánh nhau, leo trèo, mà bắt tôi ở trong lớp chơi nhảy dây, chơi so đũa với tụi con gái. Thầy nói như vậy mới “nữ tính”. Nhưng tôi cực dở 2 món ấy. Chơi toàn thua. Thầy chỉ tôi chơi món dễ nhất – Chơi.. bún thun. Tôi cũng… thua luôn. Có hôm thua hết thun, tôi tức quá ngồi dỗi khóc… đòi dây thun lại. Thầy phải đi năn nỉ mấy bạn khác trả dây thun đã thua lại cho tôi, với lời hứa nhỏ: “Mai thầy sẽ mua cái khác lại cho con”. Nếu tôi nghe được, tôi lại.. dỗi. Và thêm một lời hứa; “Mai thầy cũng mua cho con nữa”. ^^

Vì nhà tôi gần trường, mỗi ngày đi dạy, thầy thường đi sớm, sang nhà đợi tôi đi học. Ra về, thầy đợi tôi xếp hàng xong, đi ra đến đường, kêu tôi lên xe thầy chở về, nhưng lần nào tôi cũng nhất quyết không lên vì: “Nhà em sát bên mà”. Tuy vậy, ngày nào thầy cũng kiên nhẫn năn nỉ tôi lên xe để chở về, dù biết chắc tôi không đồng ý, như để ghẹo tôi cho vui vậy. Vì thầy nói tôi là… siêu lì. Cho đến một lần, mẹ nhờ thầy chở tôi đi mua thuốc cho Ngoại ngoài thị xã, tôi mới lên xe. Lên xe tôi ngồi trước, tôi nhớ ngày đó hình như thầy đi xe Dream, thầy chỉ cho tôi nút bóp kèn, tôi khoái lắm, suốt đường về tôi cứ nhấn kèn inh ỏi, còn thầy cứ cười suốt, gật đầu hết người này đến người kia gặp trên đường *_*.

Chuẩn bị đến dịp cắm trại mừng ngày Thành lập Đoàn, thầy qua nhà hỏi Ngoại sẽ cho tôi mặc đồ gì. Ngoại nói tôi có bộ đầm trắng rất đẹp. Và thầy phán ngay 1 câu: “Hôm đó con phải mặc bộ đầm trắng đó”. Nhưng đến ngày hội trại, tôi mặc một cái quần jean nhung và một cái áo trắng thêu hoa đã mua một lần lên Sài Gòn. Thầy… giận không nhìn đến tôi. Và cứ chăm sóc cho một con bé duy nhất trong lớp, ngẫu nhiên sao đã mặc đầm trắng vào hôm đó. Đến trưa, thầy kêu con bé đó vào trại cho thầy chải tóc trước mặt tôi. Trong khi từ đầu năm thầy đã chỉ chải tóc cho mỗi mình tôi. Tôi ức, chui vào một góc trại ngồi ứa nước mắt. Chợt, một giọng nói nhẹ nhàng cất lên: “Ra đây tui chải tóc cho nè chị hai”. Mặc dù còn dỗi, nhưng tôi vẫn đi ra… Thầy lườm yêu tôi: “Ai biểu con lì quá chi, thầy kêu con mặc đầm cho đẹp mà, ngày thường đã giống con trai rồi hôm nay lại mặc quần jean, muốn chọc tức tui hả?”. Tôi nấc khẽ: “Bộ đầm đó con không định mặc nữa, bỏ lâu rồi, nên phải đem giặt lại cho thơm. Hôm qua mưa nên sáng nay khô không kịp”. Thầy xoa nhẹ má tôi, hôn lên trán tôi dịu dàng: “Thầy xin lỗi”.

Cuối năm, lên lớp 5 là tôi phải ra trường ngoài thị xã học, đồng nghĩa với việc không học thầy nữa. Tôi khóc… Tôi không muốn xa thầy một chút nào. Nhìn vào mắt thầy, tôi biết thầy cũng buồn nhiều lắm. Tôi hỏi thầy: “Thầy có lấy vợ không? Khi nào thầy sẽ lấy vợ?”. Thầy xoa đầu tôi cười hiền: “Thầy đợi bé P lớn mới lấy vợ”. Tôi vui lắm… Vì biết còn lâu lắm mới có một người nào đó cướp thầy của tôi đi. Nhưng đến tận bây giờ, thầy tôi vẫn chưa lấy vợ…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét