Không có Tết năm nào mình không nghe vài người xung quanh nói là... sợ Tết. Câu cũng thường nghe không kém là "chỉ có trẻ con mới thích tết; Ước gì bé lại; Tết dành cho trẻ con...v.v..."...
Thật ra, Tết dành cho trẻ con thì có 1/6 rùi, mà cũng mấy ai chú trọng ngày này lắm đâu, trẻ con cũng thế. Với trẻ con thì ngày nào được mặc đồ đẹp đi chơi, đó là ngày Tết.
Tết, vốn là ngày dành cho gia đình. Nhưng ở khía cạnh rộng hơn, nó được dành cho người lớn. Nào lễ lạc, nào xã giao, đủ thứ hằm bà lằng...
Tết vui không? Vui chứ!
Mọi người có thích Tết không? Thích chứ!
Chỉ vì tết là "dịp" để ai dù muốn hay không muốn cũng phải chi nhiều tiền hơn bình thường. Thế nên mới có người... sợ Tết. Và thật ra, ta chỉ sợ Tết khi ta... ít tiền hoặc không tiền vào dịp Tết mà thôi. Chứ nếu tiền bạc rủng rỉnh, ai mà không thích Tết! Nhỉ! Ngày sum họp và thư giãn...
....
Thuở nhỏ, nó cũng như những đứa trẻ nghèo khác trong xóm, rất thích Tết. Vì mỗi năm chỉ vào dịp Tết chúng mới được sắm đồ mới một lần. Được mặc đồ mới mấy ngày liền, được đi chơi liên tục mấy ngày liền, lúc với người nhà, lúc với bạn bè. Đặc biệt ba ngày Tết dù có nghịch thế nào cũng không bị chửi, bị đánh đòn hay bị phạt. Vì người lớn thường quan niệm ba ngày Tết phải luôn vui cười cả năm mới may mắn, yên ấm gia đình.
Ngày xưa, nó buồn cười nhất khi năm nào cũng vậy, cứ gần đến giao thừa là Ngoại lại ôm nó ngọt nhạt dặn dò, nào là: "Sáng mai phải thức sớm nha con, không đợi ngoại kêu, phải tự thức, đánh răng rửa mặt, thay đồ mới xong là vui vẻ cười, không có nhăn nhó nhé!", nào là: "Thay đồ xong lấy chổi quét nhà cho giỏi nè, mà từ ngoài quét vô, gom một góc, không có quét hay đổ rác ra ngoài nha con!" (trong khi thật ra từ chiều ngoại nó đã quét nhà sạch sẽ rồi, rác đâu mà quét nữa ^^); nào là: "Ba ngày Tết người lớn nói gì cũng phải dạ, phải nghe lời, không có lì nghe con!", v.v... và v.v... Mặc dù nó cũng không phải là đứa "lì lợm" gì, nhưng Ngoại nó cứ như được "lập trình" sẵn, năm nào cũng "cẩn thận" như thế cả.
Tết xưa với đám trẻ nghèo như nó đơn giản lắm. Chừng mười ngàn trong túi, năm - bảy đứa dắt tay nhau đi bộ chừng 4km ra thị xã, vào công viên xem cỏ hoa, muôn thú, chơi trò chơi. Không có chụp hình, không cơm cháo gì, chỉ ít quà vặt đến khi đói lại cuốc bộ về nhà giải quyết.
Hồi nhỏ, nó rất thích uống đá me và xi rô với đá bào. Có điều, nó rất thích kẹo, súng răng sớm, nên ngoại không cho nó uống đá đặc biệt là đá bào. Thế là Tết nhé, nó về nhà Nội ở quê, chú út hơn nó một tuổi, sẽ lấy xuồng ba lá chở nó qua bên kia "kênh sáng", ở đó có một quán cóc trên sông... và thế là, chú út một ly mủ gòn đá bào, ngồi nhâm nhi đợi nó quất sạch hết ly đá me lại thêm một ly sirô tổ chảng rồi nhìn nó nhe răng cười. Hẳn hai ly luôn nhé! Nó không bao giờ nói dối ngoại, chỉ là nó sẽ không nói ra thôi. Hehe... Vì Ngoại cũng đâu có biết được "bí mật" này mà hỏi tới... an toàn và vui vẻ...
Tết, nó được tiền lì xì. Không như những đứa trẻ khác, nó không xài mà đếm và cất thật kỹ, qua tết, nó sẽ biếu lại Ngoại, nhưng không nói là cho hay tặng, chỉ nói là "con gởi ngoại để mai mốt ngoại mua đồ cho con". Nó biết ngoại không nhiều tiền, tết ngoại cũng phải lì xì cho những đứa trẻ khác. Tết nào nó được nhiều lì xì, thì lúc đưa ngoại, nó cảm thấy mình thật hạnh phúc.
...
Thế rồi Ngoại không còn, mỗi năm trước tết nó lại ngồi tự nhắc mình phải thế này thế kia... Nhưng thật ra... cũng không còn ý nghĩa...
Lâu dần, đến năm nay... tự dưng nó không làm theo nữa...
Mùng một tết, nó nướng đến tận 9-10h... cả ngày ngồi ì hết ăn rồi lướt net, hết coi phim rồi ngủ... lười biếng hết chỗ nói...
19 cái Tết không có Ngoại...
10 cái tết cũng khá vui...
Sang cái Tết thứ 11 nó đã bắt đầu biết thế nào là "bổn phận và trách nhiệm" của một "người lớn" khi vào Tết...
Nào tiền chuẩn bị đồ cúng, đồ đãi khách, trang hoàng nhà cửa... và quan trọng nhất - tự mua sắm đồ tết cho mình... không còn mẹ mua cho nữa...
Từ cái tết thứ 12... Ngoài những thứ trên, thêm quà cho những người thân trong gia đình, lì xì năm mới. Thêm tiền "lễ nghĩa - quà cáp" với đối tác, bà con gần...v.v..., rồi tiền lì xì em cháu trong nhà, bà con họ hàng... Chưa tính bạn bè đứa nào cũng có 1-2 cháu hết rồi
Thế nhưng, đến cái tết thứ 17 với nó vẫn rất vui, tuy đã bắt đầu biết "sợ tết". Vì nó có thể "lo" được. Những "thủ tục" đó, là một nét văn hoá đẹp, nhắc mọi người hướng về nhau dẫu đôi khi có "lỡ" không còn quan tâm nhau chẳng hạn. Có những người bạn, những người thân đôi khi 1-2 năm hay lâu hơn mới gặp một lần vào dịp tết, chỉ vậy thôi, đủ để biết trong lòng không quên.
Cái tết thứ 18, nó đã "sợ tết" hơn... cuối cùng cũng hoàn tất được mọi thứ, chỉ không sắm sửa được gì cho riêng mình mà thôi. Mà, bây giờ có như ngày xưa đâu, lúc nào có tiền - thấy đồ đẹp là mua ngay, đâu chỉ sắm đồ mới dịp tết, cũng chẳng có gì quan trọng. Nó cười với nó: "Đồ mình mặc cả năm ở SG, về quê không mới là gì, đã có ai thấy đâu", ờ... kà kà...
Cái tết thứ 19... Nó chỉ có thể "lo" những điều "căn bản" nhất... cảm thấy buồn lắm...
Sợ tết! Ừ... nhưng thật ra không phải sợ, mà là buồn vì mình không làm được gì cho những người thân, những người mà mình quan tâm, yêu mến... cảm thấy mình bất lực...
Tết năm nay nó một mình, nhà không hoa, không dưa, tủ không đồ mới...
Bạn bè ở quê hết đứa này đến đứa kia đt hỏi: "sao không về?", "Tao bệnh từ ngày 28", ờ... mà bệnh thật chứ có phải nói dối đâu...
Vậy là "lỡ" một cái Tết mất rồi...
Mùng 4, Xuân Quý Tỵ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét