Thứ Năm, 21 tháng 2, 2013

Tự truyện: Cỏ Hát (Phần XXIV)

TLP’s Story (Phần XXIV)

…Cuộc đời là như thế nào nhỉ… Nếu sinh con ra mà không yêu thương nó, thà để nó chết trong bụng mẹ còn hơn…

Có người đọc tự truyện của tôi và hỏi tôi rằng: “Em viết vì muốn ai đó thương hại em sao?”.

Tự truyện của tôi là quá khứ, tôi của bây giờ là hiện tại…
Tôi viết tự truyện, vì tôi muốn giữ lại quá khứ vào chiếc hộp kỷ niệm của riêng mình, khi cần, tôi có thể mở ra, dù khi đó tôi 100, hay nhiều hơn trăm tuổi… Tôi sợ một ngày mình đãng trí…

Vì quá khứ của tôi có những điều tôi không muốn quên, và có cả những điều tôi không thể nào quên…

Nếu bạn nghĩ tôi cần một người thương hại, thì bạn đừng nên đọc tiếp… Vì bạn không hiểu tôi..

Tôi viết nhật ký cho riêng mình, cho những người muốn hiểu tôi, không phải viết “truyện” để người người “thưởng thức”…

Cỏ có hoa của cỏ, hoa cỏ không đẹp và kiêu sa như hoa hồng, nhưng hoa cỏ vẫn là hoa…


Lúc tôi về lại Cà Mau, xóm tôi đã có điện rồi, nhưng nhà nào cũng chỉ dám mở 1 cái đèn bé bé vì sợ tốn tiền. Nên đâm ra, tôi thích không khí xóm đêm leo loét những ngọn đèn dầu, hắc ánh sáng vàng qua vách lá của ngày xưa hơn. Dản dị mà ấm cúng.

Thưở đó, đối diện nhà tôi có một mảnh đất rộng được một gia đình ngoài thị xã mua lại trồng vườn. Người ta thuê một cậu bé người Miên trạc tuổi tôi về coi sóc. Hắn tên Lợi. Những ngày không mưa, Lợi hay sang cây nước ở trường học tắm, và thỉnh thoảng gặp tôi đang xách nước. Chúng tôi làm quen với nhau, đôi khi cũng tập trung chơi cùng vài đứa trẻ trong xóm. Xóm tôi bấy giờ yên ắng lắm, ai cũng lo việc của mình, chẳng còn nhiều thời gian vui đùa cạnh nhau như xưa nữa.

Lợi khù khờ, đen nhẻm và rất khỏe. Ai nhờ chi cũng giúp. Giọng Miên nói tiếng Việt nghe cứ lơ lớ của hắn hay làm tôi phải phì cười. Những câu chuyện góp nhặt đứt quãng theo từng xô nước ngày ngày, cũng làm tôi biết nhiều hơn về cuộc sống thưở nhỏ nơi xứ Miên của hắn. Hắn kể tôi nghe vô tư và vui vẻ rằng quê hắn nghèo, nghèo lắm, muốn làm cũng không đủ việc để làm. Thế là hắn đi, mà cũng chẳng biết đi đâu. Rồi hắn gặp bà chủ mảnh đất này trong một phiên chợ vội, và hắn về làm vườn cho bà, có cơm ăn, áo mặc, lại có chút tiền để dành thi thoảng gởi về quê. Tôi hỏi hắn có ước mơ gì không! Hắn nói hắn không biết ước mơ là gì cả. Tôi nói hắn rằng, ai cũng có một ước mơ, dù có thực hiện được hay không. Hắn chỉ cười ngô nghê, như chẳng tin lắm vào lời tôi nói.

Thời gian cứ thế trôi qua, một ngày nọ. Thấy tôi đang bơm nước, hắn hăm hở xách xô chạy qua, vồn vã:

- Đêm nay là rằm, có trăng đó.
- Uh, tao biết rồi.
- Tối mày ra đường chơi dzới tao nha!
- Chơi gì?
- Thì ngồi ngắm trăng chơi.
- Cũng được.

Rồi hắn bơm một xô nước, hăm hở xách về.

Tối, khi trăng còn chưa kịp tỏ, chỉ mới buông chút ánh sáng mờ hư ảo giữa không gian. Hắn chạy xộc vào nhà tôi, nhét vào tay tôi một mảnh giấy nhỏ xíu bèo nhèo:

- Mày đọc đi! Chút trăng sáng ra trả lời tao nha! Tao tập viết cả tuần mới được đó.

Rồi hắn vụt chạy đi.

Tôi chưng hửng. Chẳng hiểu mô tê gì. Hôm nay tên này bị gì không biết, không nói còn bày đặt viết giấy. Nếu tôi nhớ không lầm thì hắn không biết viết chữ Việt mà. Tôi lơ đễnh mở tờ giấy lem luốc dài sọc như một sợi dây ra, những nét chữ ngoằn nghoèo như mang theo luồng điện chạy dọc sóng lưng bất chợt làm tôi run rẩy đánh rơi tờ giấy: “Anh yêu em! Anh sẽ đi làm kiếm tiền, lớn lên anh sẽ quay về cưới em làm vợ”. Tôi ngồi bệt xuống đất, sợ hãi… Mà cho đến tận bây giờ, tôi vẫn không giải thích được vì sao lúc đó tôi lại sợ, và sợ điều gì? Tôi ngồi như thế thật lâu, cả người luống cuống, chẳng biết phải làm gì, chỉ biết là tôi sợ Lợi và không muốn gặp hắn nữa. Khi lấy lại được bình tĩnh, tôi nhặt tờ giấy lên, đi xăm xăm ra đường, hắn đang đứng lóng ngóng ngoài đường, cười toe khi nhìn thấy tôi, tôi đập tờ giấy vào tay hắn, quát lên:

- Mày điên hả! Tự nhiên viết cái gì nhãm nhí. Từ nay tao không nói chuyện với mày nữa.

Nói rồi tôi quay lưng đi thẳng một mạch vào nhà. Chẳng buồn xem phản ứng của tên ngốc đó ra sao. Leo lên giường nằm, mà chốc chốc tôi lại rùng mình, tôi kéo chăn trùm kín từ đầu đến chân, mong sao sáng mai thức dậy tôi sẽ không còn nhớ Lợi là ai trên cõi đời này nữa.

Từ hôm đó, tôi tránh gặp mặt Lợi, dĩ nhiên là hắn kêu tôi chẳng trả lời cũng không thèm nhìn mặt. Dần dà, hắn cũng chẳng buồn kêu nữa. Sau đó không lâu, nghe bọn bạn trong xóm nói lại là hắn đi rồi, hắn đi theo ai đó đi làm ăn xa. Tôi không thấy buồn, chỉ mong sao hắn đi luôn và đừng bao giờ trở lại.

Hai năm sau đó, tôi nghe nhỏ bạn gần nhà nói Lợi về tìm nó, bảo là có ngồi uống café trước cổng trường tôi, nhìn thấy tôi đi học, nhưng không dám gọi. Hắn nói với nhỏ là tôi ghét hắn, nên hắn không dám gặp tôi, rồi hắn lại đi… Như một cánh chim viễn xứ, chẳng thấy quay về…

Năm lớp 8, tự dưng tôi có nhã hứng viết truyện. Truyện ngắn đầu tay của tôi viết về những ngày hè ngắn ngủi ở Hàm Tân. Tôi đem gởi báo, không ngờ lại được đăng. Số tiền nhuận bút là số tiền đầu tiên trong đời tự tôi kiếm được. Dù chẳng là bao, nhưng tôi đã hạnh phúc âm ỉ cả tháng trời. Tôi mua tặng mẹ một đôi giày, vì chẳng bao giờ tôi có tiền để mua cho mẹ một món quà vào dịp lễ tết gì, dù tôi muốn thế. Mẹ tôi vui lắm, mang gởi tờ báo về…khoe tận Hàm Tân.

Lúc đó, nếu không có Nghĩa “đại ca”, chắc là tôi cũng không biết truyện của mình được đăng báo. Hôm đó tôi vừa vào lớp thì đã thấy bạn bè xoay quanh Nghĩa nhốn nháo cả lên, thấy tôi vào, cả bọn túa ra vây lấy tôi chúc tụng liên hồi làm tôi cũng không rõ chuyện gì. Đến khi thấy Nghĩa cầm tờ báo đứng trên bàn hươ hươ, quảng cáo tưng bừng, tôi mới biết mình là nhân vật chính. Vì tôi có bao giờ coi báo gì đâu. Chỉ viết xong thì đánh liều đem gởi đại, vì toà soạn báo nằm ở cạnh trường. Báo chí đối với tôi cũng là một món hàng xa xỉ. Tôi thường đọc truyện tranh và các loại sách cũ mượn được ở đâu đó, hay do một tên bạn làm nghề… nhặt rác đem cho. Tên ấy ở gần nhà tôi, lớn hơn tôi một tuổi, cả gia đình làm nghề nhặt rác, sống trong một cái chòi siêu vẹo. Biết tôi ham đọc sách, những lúc “hành nghề”, cứ nhặt được sách gì là hắn lại lau bụi sạch sẽ mang về tặng. Và đó là một niềm vui mà tôi luôn chờ đợi mỗi ngày.

Năm lớp 8, trường tôi phát động phong trào viết “Báo tường”. Đó là một tấm bảng mê ca treo trước phòng Ban giám hiệu, mà khi chào cờ, học sinh cả trường sẽ ngồi tập trung, xoay mặt về hướng đó. Tấm bảng đó chỉ đủ ghi từ 2-3 bài thơ ngắn, nhưng thầy phụ trách đoàn yêu cầu mỗi tuần, mỗi lớp phải có ít nhất một bài thơ gởi cho thầy, để thầy chọn đăng lên đó, nếu lớp nào không hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị trừ điểm thi đua. Khỏi phải nói là học sinh các lớp đùn đẩy nhau đến thế nào, ngoài một số “nhân vật cá biệt” có tâm hồn khá ư “lay láng” thì nhìn chung, học văn đã đủ ngán rồi, nói chi đến làm thơ.

Ái chà, phải nói là chưa bao giờ vai trò của… cán sự văn lại được các bạn chú trọng như lúc ấy, cán sự văn cứ là được “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa” để mà… làm bia đỡ đạn (là cả lớp nghĩ thế). Vì học chung trường, nên sau này dù có đổi vài thành viên lớp lẫn nhau một chút, tôi vẫn luôn là ứng cử viên số 1 không được quyền… lựa chọn, làm… bia đỡ đạn cho lớp về mặt báo tường đến hết lớp 12. Tôi thích làm thơ, nên cứ giả vờ “chảnh” xí với lớp cho dzui, chứ một bài thơ một tuần suốt 5 năm với tôi chỉ là… chuyện nhỏ. Tên tôi xuất hiện đều đặn mỗi tuần trên Báo tường của trường, thầy phụ trách đoàn là người đầu tiên rất… hâm mộ thơ tôi. Nên trong mọi sinh hoạt đoàn thể tôi luôn được ưu tiên số một ^^. Có lần, thầy đến lớp tìm tôi chỉ để bối rối nói một câu: “Em viết thơ nhớ giữ lại nha, sau này nhiều, xuất bản tặng thầy”. Tôi chỉ cười hiền. Riêng cảm nhận của tôi thì, thơ tôi viết nhiều, nhưng là một bài thơ hoàn chỉnh đúng nghĩa thì đến tận bây giờ vẫn không đủ số để in một tập thơ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét