Thứ Năm, 21 tháng 2, 2013

Tự truyện: Cỏ Hát (Phần XXII)

TLP’s Story (Phần XXII)

Mùi cỏ non mát dịu còn vươn chút lạnh của sương đêm níu lấy chân tôi như một cái ôm trìu mến. Căn nhà nhỏ quen thuộc hiện ra, với khỏang sân xơ xác và trống vắng. Đâu rồi vườn hoa của tôi…Tôi đi vòng quanh nhà, hoa của tôi, cây của tôi… đều không còn gì cả. “Một năm – không người chăm sóc, quá dài với tuổi thọ của tụi mày đúng không! Tao xin lỗi…”

Tôi quay về trường cũ để tiếp tục vào lớp 8. Nghe Ba nói rằng thầy chủ nhiệm rất bất ngờ với kết quả học tập năm lớp 7 của tôi. Thầy nói hi vọng sự trở về của tôi sẽ vực lớp đi lên. Tôi chỉ cười trừ, ai biết được…

Ngày đầu tiên mặc áo dài, tôi ra mộ cho Ngoại ngắm. Không biết Ngoại có trông thấy hay không… Nhưng với tôi, đó thật sự là một ngày rất đặc biệt. Trên đường đi bộ đến trường, tôi có cảm giác dường như ai cũng nhìn mình, dường như ai cũng biết lần đầu tiên tôi mặc áo dài (Thật sự là do tôi tự tưởng tượng thế), nhất là khi một anh xóm dưới chạy ngang nói với: “Cha, bé P mặc áo dài nhìn khác quá nha!”, tôi càng khẳng định cảm giác của mình là đúng ^^. Tôi thấy mình lớn hơn, đi chậm rãi và từ tốn hơn. Thành ra nếu năm lớp 6, đọan đường từ trường về nhà tôi lội chỉ 45p, thì bây giờ, vì sự nghiệp… áo dài, tôi cuốc 1 tiếng 15p mới đến nhà. Hix..

Không biết sự trở về của tôi có làm ba suy nghĩ gì không. Đi bộ được vài ngày, ba mua cho tôi một chiếc xe đạp mini màu nho. Từ nhỏ, ngoài đôi bông trái châu ra, đó là món đồ thứ 2 ba mua cho tôi, mặc dù tôi không bao giờ xin gì cả. Ở trường, ai cũng đi xe đạp phượng hòang, chỉ có tôi chạy chiếc mini. Vì tôi nhỏ con, nên có vẻ chiếc xe rất hợp với tôi. Tụi trong lớp mỗi khi vào bãi xe gặp tôi đều chọc: “Xe đúng là hợp với người”. Tôi cũng thấy vui vui. Tôi thường nói với chiếc xe rằng: “Tụi mình là bạn nhé! Tao không có tiền để sửa xe đâu, nên mày đừng có hư đó”. Vì tôi nghe nói ngựa tốt khi người chủ biết tâm sự và làm bạn với nó. Nên tôi hi vọng chú ngựa sắt của tôi cũng thế. Không biết giữa kim loại và con người có sự đồng cảm hay không, nhưng suốt 4 năm gắn bó cùng tôi, dù màu sơn gần như nhạt thếch, nhưng xe của tôi đúng là rất hiếm khi hư. Tôi luôn cảm ơn nó về điều đó.

Về trường cũ, người đầu tiên tôi tìm là Lữ Hải Phương. Nhưng mọi người nói rằng Phương đã chuyển trường đến một tỉnh khác giữa năm lớp 7, không biết là đến nơi nào. Tôi nghe chút buồn lâng lâng khó tả. Mặt khác, lớp tôi có vài bạn mới từ lớp khác chuyển sang. Từ đó, nhóm “ngũ quỹ” của tôi được hình thành. Tính cả tôi, là 2 nam – 1 nữ. Trong đó gồm tôi, phú, và 3 người bạn mới: Oanh, Hên, Nghĩa. Chúng tôi thân với nhau như ruột thịt, cho đến tận bây giờ. Oanh trong mắt tôi là cô tiểu thư đài các nhưng giản dị. Phong thái nhẹ nhàng, từng bước đi, cử chỉ, đến giọng nói đều rất nhẹ nhàng, chậm rãi, quý phái như một quý bà thực thụ. Ngược lại, Hên người hoa, nghịch ngợm và loắt choắc như chim chích chòe. Thẳng tính và rất đáng yêu. Hứng lên là cột hai vạt áo dài lại, bay… đá song phi Nghĩa và phú túi bụi, hoặc rượt 2 tên đó chạy vòng vòng đến mệt lã mới thôi. Oanh, Hên, Phú đều sinh năm 83. Tôi học sớm 84. Nghĩa được bầu là đại ca vì sinh năm 81, do gia đình nhiều biến động nên học trễ. Nghĩa chững chạc, điềm tĩnh và sâu sắc. Đôi mày rậm cương nghị, đôi mắt nhìn sâu thẳm, xa xăm. Tôi hay trêu Nghĩa là ông cụ non. Nhưng Nghĩa là người bạn – người anh mà tôi rất nể phục.

Nhóm được phân cấp bậc rõ ràng, Nghĩa là đại ca, tôi là chị hai, Oanh – chị ba, Phú – anh tư, Hên nhí nhảnh nên làm em út. Chúng tôi thảo một bản nội qui cho nhóm, có rất nhiều điều lệ, bao gồm từ học hành đến cách hành xử. Ai vi phạm sẽ bị phạt. Nếu không chấp hành sẽ bị loại ra khỏi nhóm. Trong bảng nội qui có một điều rằng: Người trong nhóm không được… iu nhau, và không được… có người iu cho đến khi học hết 12. Đi học, ngoài Nghĩa hay đi đá banh, đá cầu, quậy với đám con trai các lớp, tôi, Oanh, Hên và Phú đi đâu cũng có nhau. Gần như cả khối 8 đều trêu Phú là… hifi. Vì Phú nho nhã thư sinh, trắng trẻo, lại luôn chỉ chơi với 3 đứa con gái. Mặc mọi người chọc, cả nhóm đều không quan tâm. Nhưng có lần, tự dưng ngẫm nghĩ gì đó, tôi hỏi mẹ:

- Lớp con có thằng kia, con trai mà trắng bóc, cử chỉ nhẹ nhàng, nói chuyện dịu dàng, viết chữ cực đẹp, mà chỉ tòan chơi với con gái thôi, vậy thằng đó có phải là bêđê không mẹ?

Mẹ tôi phì cười: - Nếu bêđê thì nó chơi với con trai, chơi với con gái làm gì. Chắc là một anh chàng có máu nghệ sĩ.

Tôi gục gật: - Cũng có lý.

Mà quả thật, Phú là một anh chàng tài hoa. Phú vẽ rất đẹp, dù chưa từng học vẽ. Nhìn Phú đưa bút giống như quậy nghuệch ngọac, nhưng chỉ cần vài nét bút là đã ra hình một cô gái trong bộ đầm xinh xắn, hay có khi là cả một vườn hoa sinh động. Cả nhóm tôi nói riêng và lớp tôi nói chung, đều rất thích xem tranh Phú vẽ. Chỉ có thầy cô là hay mắng: - “Anh học hành mà cũng tốt như anh vẽ thì mới đáng nói. Anh dành thời gian vẽ nhăng vẽ cuội học đàng hòang dùm tui.”

Trong nhóm, Oanh là người học hành chăm chỉ nhất. Nghĩa thì thông minh. Tôi thì học theo hứng. Phú thì trung bình, chỉ có Hên là… bùi kiệm. Chúng tôi đã nghĩ ra nhiều phương án, mềm có, rắn có, để rèn luyện cho Hên, nhưng xem ra không mấy hiệu quả. Có một tháng nọ, Hên học trên hạng của tôi và Nghĩa, cô bé hứng chí la hét nhảy múa khắp lớp. Nhưng chỉ có một tháng duy nhất trong suốt 2 năm lớp 8 và lớp 9. Còn lại chẳng lúc nào thấy khả quan. Tháng đầu tiên của lớp 8, tôi hạng 28. Thầy chủ nhiệm ngậm ngùi:

- Thầy đã rất hi vọng vào một người với sự tiến bộ thần tốc đáng kinh ngạc. Thầy tưởng người đó sẽ giúp lớp chúng ta viết nên một trang sử mới. Nhưng không hiểu sao người đó lại làm thầy quá thất vọng. Không biết có một lý do nào hay không. Nếu vì một lý do nào đó, thầy hi vọng người đó sẽ sớm vượt qua, và trở về với đúng khả năng của mình.

Tôi ngồi lặng yên. Tôi biết thầy nói về ai. Lý do ư! Dường như không có lý do gì cả. Tôi cũng không biết tại sao. Nhưng trở về đây, trong đầu tôi không hề có ý nghĩ phải học giỏi, mà chỉ nghĩ học để đủ lên lớp. Thầy là người tôi yêu mến, nhưng xem ra, tôi vì bản thân mình nhiều hơn…

Tháng thứ 2, tôi vượt lên hạng 5. Tôi là một con bé nhút nhát. Ở Fangrang, một năm chỉ phát thưởng 2 lần. Mỗi lần chỉ có lớp trưởng đại diện lên nhận thưởng. Còn ở Cà Mau, mỗi tháng phát thưởng 1 lần, cho học sinh từ hạng nhất đến hạng 3, và ai cũng phải lên đứng dưới sân cờ nhận thưởng. Tôi không thích cảm giác lên đứng dưới sân cờ trước cặp mắt của hơn 5000 học sinh. Nên thật lòng mà nói, muốn tôi hạng 4 cũng được, nhưng không bao giờ là hạng từ 1 – 3.

Ngày 20/11 năm đó, tôi mua một bông hoa cài áo màu hồng, thức cả đêm viết một bài thơ, tặng cho thầy chủ nhiệm. Tôi không ngờ trong một mớ quà tặng lỉnh kỉnh, gói to gói nhỏ, những bó hoa rực rỡ… Thầy lại xúc động mạnh trước món quà của tôi. Thầy cài bông hoa lên ngực áo, và nói với cả lớp:

- Thầy tự hào về món quà của em P, thầy sẽ cài bông hoa này hết ngày hôm nay. Cảm ơn em.

Cả lớp trố mắt quay về phía tôi, vỗ tay giòn giã, làm tôi ước giá như dưới chân mình có cái lỗ nào để tôi có thể chui xuống trốn. Từ lúc đó, tôi hứa với lòng: “Không bao giờ tặng quà 20/11 cho bất kỳ giáo viên nào nữa”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét