Thời gian vẫn trôi qua cuộc đời của mỗi người như những vòng xe, cứ lăn mãi trên những nẻo đường bất tận. Với những người may mắn có những tháng ngày vui tươi, hạnh phúc, họ sẽ cảm thấy thời gian trôi qua thật nhanh. Và có lẽ, với những người chẳng may sống trong những trang đời không may mắn, sẽ cảm thấy thời gian như chậm lại, dài hơn… Có đôi lúc, nhìn lại những gì cuộc đời mình đã trãi qua, tôi ngẩn ngơ tự hỏi một điều rằng… Mình mới 24t thôi ư…
Có nhiều người hỏi tôi, sao tôi có thể nhớ nhiều đến thế những gì đã trãi qua!
Thật lòng, tôi chưa từng nghĩ đến điều này, và cũng không hiểu tại sao…
Tôi có thể nhớ lúc tôi chạy còn chưa vững lắm, đôi dép đầu tiên tôi được mang có màu vàng - đỏ, một chị hàng xóm đã bảo rằng tôi mang dép ngược, và tháo dép ra, chỉ tôi mang lại vào chân sao cho đúng, bạn có tin không! ^^
Năm lớp 8, tiếp xúc với nhau nhiều, tôi cũng mên mến Phú, nhưng sự phân vân về dáng vẻ… mềm yếu của Phú trong tư tưởng của tôi vẫn chiếm ưu thế hơn so với… lòng cảm mến. Tôi thích một chàng trai học giỏi và mạnh mẽ. Tính đến hết thời điểm năm lớp 9 thì Phú không có ưu điểm nào trong hai điều tôi thích.
Có lần, phú gởi cho tôi một tấm thiệp bé bé xinh xinh bằng bàn tay, nội dung thiệp hỏi tôi có thích Phú không. Tôi viết một tờ giấy gởi lại nửa đùa nửa thật rằng: “Yêu cầu… sư đệ xem lại điều x trong nội quy nhóm – thành viên trong nhóm không được phép thích nhau cho đến khi học xong PTTH”. Tôi thấy Phú buồn buồn, và thường cười rất lạ khi gọi tôi là… chị hai.
Lại một lần khác, đang đọc truyện Dấu Ấn Rồng Thiên, Phú đưa tôi xem một trang truyện, trong đó Pop (không biết tôi nhớ có đúng tên nhân vật không, anh chàng bạn chí cốt của Đai - cột một mảnh khăn ngang trán) đang ngỏ lời với cô bạn gái trong nhóm (cô bé này thì tôi không nhớ tên), nội dung câu ngỏ lời đại khái là: “Khi nào kết thúc chiến tranh thì nhận lời làm bạn gái tới nhé!”.
Xem xong, tôi giả vờ ngô nghê: - Vậy thì sao?
Phú bối rối: - Trong truyện là chiến tranh, còn mình là PTTH.
Tôi liếc nhìn vào trang truyện, cô bé kia trả lời Pop: - “Bây giờ tớ còn bé lắm, chưa nghĩ đến chuyện đó”.
Tôi xoay sang Phú: “Tui cũng trả lời như vậy”, rồi nhe răng cười.
Phú hí hửng: “Nghĩa là còn nhỏ chưa nghĩ đến chứ không phải không chịu”.
Tôi phì cười, trong lòng nghĩ: “Uh, chắc tại còn nhỏ chứ không phải không chịu”.
Những lúc rảnh rỗi, tôi hay suy nghĩ không biết tại sao hai người khác phái xa lạ bỗng nhiên lại thích nhau. Một hôm, tôi viết vài dòng vào một tờ giấy quăng qua chỗ Phú: “Phú nghĩ gì về P, sao lại thích P”. Đợi mãi vẫn thấy Phú chỉ ngồi nhìn chăm chăm lên bảng mà chẳng trả lời, mọi hôm cứ quăng giấy qua là hắn trả lời ngay, tôi hơi dỗi, trong lòng nghĩ: “Chắc hắn cũng không biết tại sao hắn thích mình rồi”.
Tan học, Phú đi ngang bàn đưa cho tôi một quyển truyện Tazăn, hình như tập 3 thì phải, và nói: “Câu trả lời trong cuốn truyện này”.
Về nhà, tôi lật tới lật lui, lật xuôi lật ngược, không thấy một mảnh giấy nào cặp trong cuốn truyện, cũng không thấy một chữ viết nào trong ấy. Thế thì câu trả lời nằm ở đâu? Hay mình đã đánh rơi tờ giấy Phú cặp bên trong? Nghĩ mình đã vô ý… đánh rơi câu trả lời của Phú. Hôm sau vào lớp, tôi chỉ biết nhìn Phú rồi toe miệng cười mà trong lòng đầy thắc mắc. Lỡ hắn nói mình hung dữ, bà chằn, mình cũng toe miệng cười thế này thì thật là… độ lượng quá. Nhìn Phú có vẻ vui hơn khi được tôi… đối xử độ lượng như thế, tôi càng tin tưởng suy nghĩ của mình là đúng. ^^
Khoảng một tuần sau, trong giờ ra chơi, Phú đến cạnh tôi dịu dàng: Chắc là hiểu tui rồi phải không!
Tôi ngây ngô: Hiểu gì?
- Thì câu trả lời trong cuốn chuyện.
Một chút do dự, tôi bối rối… thú thật: P làm mất tờ giấy Phú cặp trong cuốn truyện rồi, nên đâu có biết Phú trả lời gì.
Phú tròn mắt nhìn tôi: - Giấy gì?
- Thì tờ giấy Phú trả lời đó.
- Phú đưa P cuốn truyện mà.
- Thì tờ giấy trong cuốn truyện.
- Phú đưa cuốn truyện chứ đâu có tờ giấy gì.
Tôi liếc xéo: - Vậy trả lời gì?
- P không đọc truyện hả?
- Có đọc sơ sơ thấy không liên quan.
- Trời! Cuốn truyện đâu.
- Trong cặp.
Phú cười lớn: - Đem ra đây chị hai. Làm cả tuần nay mình tưởng bả biết rồi.
Tôi lon ton vào lớp xách cuốn truyện ra. Phú đưa tôi xem một trang chỉ có chừng 3 câu thoại. Tôi ngơ ngác: - Liên quan gì đâu!
Phú nhìn tôi cười méo xệch pha chút… bức bối: - Câu này nè chị hai!
Tôi nhìn vào câu thoại: “Trúc Mỹ dễ thương, không nhiều chuyện như nhiều đứa con gái”. – Câu này à?
- Chứ câu nào! Thay chữ P vào chữ Trúc Mỹ.
Tôi nguýt dài, quay lưng đi một nước sau khi quăng lại một câu: - Có nhiu đó nói đại cho rồi, bày đặt đưa nguyên cuốn truyện, mệt hông!
...
Không có thời gian gầy dựng lại vườn hoa, nhưng thích trồng trọt, sau khi từ fangrang về, tôi bắt đầu trồng lại một vài loại cây cỏ quanh nhà. Khoảng sân rộng trước nhà, tôi trồng rau dền tía. Lá của loại cây này sẫm màu huyết dụ, nấu canh ăn rất mát. Rau dền sống khoẻ và sinh trưởng rất nhanh, không cần chăm sóc. Mùa nắng hạn, chúng còi cọc nếu không đủ nước, nhưng dù có héo hết, chỉ cần sau một đêm mưa, là chúng lại nhú lên, thêm vài cơn mưa nhỏ nữa, chúng sẽ lớn nhanh như thổi. Nhìn một khoảng sân biếc một màu huyết dụ mơn mởn lay lay, trông rất vui mắt.
Hai bên vách nhà, một bên tôi trồng Mướp, thả tự do cho chúng tha hồ trèo lên bụi chuối, đám tràm nước, và đu vọt lên cả mái nhà. Những bông nào đậu quả trên mái nhà thì chịu, nhìn từ xa cho đẹp chứ không hái được. Còn lại một bên, tôi trồng Khổ qua. Giây Khổ qua mỏng mảnh, không to khoẻ như Mướp, nên thường đỏng đảnh thói tiểu thư. Khi thấy những chiếc tua đầu tiên của cây Khổ qua lớn từ mầm nhô ra, là phải làm giàn cho chúng. Không có giàn, chúng oặt ẹo bò lê dưới đất, trông rất thảm thương, chỉ cần một cơn mưa là bầm dập toàn đất là đất khắp người. Bướng bỉnh thế, nên Khổ qua là cô nàng tôi phải quan tâm chăm sóc mỗi ngày, không “bỏ thí” như những người bạn khác được.
Chỉ có một nơi luôn còn thật nhiều hoa ở nhà tôi là mộ ngoại. Ba loài hoa tôi trồng trước khi đi fangrang quanh mộ ngoại là Hoa mười giờ, Sao nhái và Cúc dại. Ba loài hoa này đểu là những loài hoa có màu tím và rất… lì đòn. Mùa này chết khô, mùa sau mưa xuống lại mọc lên, luôn thơm ngát và rực rỡ. Tôi trồng một dây dưa gan bên cạnh những khóm mười giờ, một thời gian, chúng đậu được hai trái, da vàng bóng bẩy. Tôi lấy rơm dệt cho chúng hai cái tổ nhỏ như tổ chim, lót cho chúng nằm êm ái. Ngày ngày, dù bận thế nào, tôi cũng ra thăm, nhất quyết đợi chúng chín đến nức da, thơm phức mới hái vào. Vì trái cây thì phải ăn, chứ những thứ tôi trồng, thường tôi không đành lòng hái.
Trong nhóm Ngũ Quỹ của tôi, chỉ có Phú là hay đến nhà tôi chơi nhất. Những lúc rảnh, Phú thường… lạng qua lạng lại trước nhà tôi, kêu í ới: - P ơi! P ơi!
Nếu kêu chừng ba lần mà không thấy tôi đâu, nghĩa là ba tôi đang ở nhà, Phú sẽ đi về. Vì Ba tôi rất khó, cấm tuyệt đối không cho tôi chơi với con trai. Còn nếu kêu hai tiếng đã thấy tôi chống nạnh đứng trước nhà, thì Phú sẽ cười hì hì đạp xe vô. Cũng không làm gì, chỉ quanh quẩn ngồi xem tôi làm việc nhà một chút rồi về. Phú hay thắc mắc sao tôi sợ ba đến vậy, cứ đòi gặp ba tôi để xin phép được đến chơi, vì “ai cũng có bạn bè, đó là chuyện bình thường”. Tôi không biết giải thích thế nào, chỉ năn nỉ Phú đừng để ba tôi thấy mặt. Đối với ba tôi, bạn bè không phải là “chuyện bình thường”. Suốt 12 năm học, ngoài giờ đi học, tôi không được đi đâu, dù là thăm thầy cô, picnic với bạn bè, đến nhà bạn học nhóm.v.v… Mỗi lần ở trường có cắm trại hay sinh hoạt gì, tôi phải năn nỉ gãy lưỡi trước cả tuần mới được tham gia với điều kiện đi – về không sai một phút với giờ qui định.
Một ngày chủ nhật nọ, biết ba tôi đi công việc cả ngày tối mới về nhà, tôi rủ cả nhóm Ngũ Quỹ vào nhà chơi. Vì mọi người hay đòi về nhà tôi chơi, từ chối hoài mà không giải thích được lý do thuyết phục mọi người tôi cũng ngại. Vì đối với các bạn tôi: “Hùm dữ không ăn thịt con”, họ nghĩ tôi quan trọng hoá vấn đề, chứ ba mẹ nào lại khó khăn đến thế.
Tôi dẫn các bạn đi thăm khu vườn của tôi, nhà các bạn đều ở trung tâm thị xã, không có đất trồng trọt, nên ai cũng mê khu vườn của tôi lắm lắm, nhất là Phú, Phú đặc biệt hứng thú với hai chú nhóc dưa gang của tôi, cứ ngồi săm soi mãi.
Bỏ cho Phú một mình đi lòng vòng, chúng tôi vào nhà chơi. Tôi xách dao đi chặt dừa cho các bạn uống, đang chặt chặt, tôi nghe tiếng Phú reo lên hí hửng:
- P ơi! Hai trái dưa gang này đẹp quá, chắc sắp chín, Phú hái vô dùm P rồi nè.
Tôi giật phắt người quay lại, nhìn trân trối hai trái dưa gang Phú đang nâng hai bên ngang đầu với chiếc miệng cười rạng rỡ. Tôi quăng dao cắm bụp vào trái dừa, mắt không rời khỏi Phú, nói như hơi thở:
- Biến ngay trước khi tui nổi giận!
Dù chưa hiểu chuyện gì xảy ra, nhưng chắc Phú biết tôi đang giận lắm, giữ nụ cười ngây thơ vô số tội trên môi, Phú từ từ mở tủ, bỏ hai trái dưa gang vô như là… nâng niu lắm, rồi từ từ… đi khỏi tầm phóng xạ đang toả ra ngùn ngụt quanh tôi…
Khi bạn bè đã về hết, tôi mở tủ nhìn hai trái dưa gang mà rơi nước mắt. Chẳng biết chúng còn lớn được đến chừng nào, mà hôm nay tên bạn yêu quái của tôi đã tước đi quyền sinh tồn của chúng. Từ hôm đó, tôi quyết tâm vào lớp sẽ không thèm nói chuyện với Phú nữa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét