Thứ Năm, 21 tháng 2, 2013

Ngoại tôi

Từ nhỏ, tôi đã sống với bà ngoại. Ba mẹ tôi đi làm ăn xa, lâu lâu mới về nhà một lần. Với tôi, khái niệm về ba mẹ khá mờ nhạt. Tôi chỉ biết người thân duy nhất luôn bên cạnh yêu thương, chăm sóc tôi là bà ngoại. Và ngược lại, người duy nhất bên cạnh bà ngoại là tôi. Tôi nghe kể lại rằng do sức khỏe yếu, mẹ mang thai 7,5 tháng đã sinh hạ tôi, có lẽ vì vậy mà tôi chỉ nặng 1,6 kg. Ngày đó điều kiện vật chất và trang thiết bị những bệnh xá nhỏ nơi tỉnh lẻ còn rất nghèo nàn, nên hầu như không ai dám đụng tay đến đưá trẻ sơ sinh là tôi, kể cả mẹ tôi và bác sĩ, vì họ sợ sẽ làm tôi chết hay…đánh rơi tôi xuống đất. Ngoại đã dùng tình thương yêu vô bờ bến và cách chăm sóc của riêng mình nuôi lớn tôi trong sự ngạc nhiên của tất cả mọi người. Hai bà cháu tôi đã gắn bó với nhau như hình với bóng từ ngày tôi cất tiếng khóc chào đời như thế.Cách đây hơn hai mươi năm, quê tôi là một vùng ven rất vắng vẻ. Nhà tôi là một căn nhà lá rộng, nằm giữa một khỏang sân mênh mông bốn phía. Ngoại tôi là một ngừơi yêu thiên nhiên và thích trồng trọt. Nên quanh nhà tôi trồng rất nhiều rau củ các loại. Nhà tôi nằm cạnh một ngôi trường tiểu học gồm hai phòng học, chỉ có bốn lớp từ lớp một đến lớp bốn. Lúc nhỏ, tôi rất thông minh. Năm ba tuổi, cứ ngày ngày nghe tiếng đọc bài bên trường học vọng qua là tôi lại lanh lảnh đọc theo, rồi nghêu ngao cả ngày như con vẹt vậy. Thỉnh thỏang, tôi lại chạy sang trường học, đứng tựa cửa nhìn mọi người học tập mà trong lòng thích lắm. Hình như ngoại và cô giáo dạy lớp một thấy tôi có vẻ ham học, nên mùa tựu trường năm tôi 4 tuổi, ngoại mua cho tôi 1 cuốn vở đen, 1 cây bút chì, 1 tấm bảng, cô giáo đóng cho tôi một chiếc bàn gỗ thô sơ nhỏ xíu và 1 cái ghế đẩu, sắp nằm trên cùng các dãy bàn trong lớp – và tôi được vào lớp 1 – nhưng không có sách giáo khoa, cô giáo thường ghi vào vở tôi những bài cần học của ngày hôm sau. Tôi là một học sinh bình thường như các anh chị khác, chỉ khác là tôi không có tên trong danh sách lớp. Điềm của tôi được cô giáo ghi riêng vào một cuốn sổ nhỏ. Thỉnh thỏang có người của ban giám hiệu hay phòng giáo dục xuống kiểm tra, thì hôm đó tôi phải nghĩ học. Nhưng tôi không quan tâm đến những điều đó, được đến lớp là tôi đã vui lắm rồi. Suốt năm học, mỗi tháng tôi đều đứng nhất lớp, cô giáo thương tôi lắm, có hôm trời mưa tầm tã, cô cũng che nón lá qua nhà cõng tôi sang học. Bà ngoại thì khỏi nói, rất tự hào về tôi. Ngoại thường nói tôi phải mau lớn, vào lớp sáu, để mặc áo dài cho ngoại xem. Ngoại nói chắc ngoại không sống lâu đợi tôi lấy chồng được, nên mong ước của ngoại là được nhìn thấy tôi mặc áo dài đi học, bấy nhiêu đó thôi là ngoại đã mãn nguyện và hạnh phúc lắm rồi.

Vì không đủ tuổi, nên tôi phải học hai năm lớp một. Năm đầu không được lên lớp hai, tôi khóc hết nước mắt. Vào học chính thức, năm năm liền tôi đạt học sinh suất sắc. ngoại tôi và những giáo viên từng dạy tôi, ai cũng yêu thương và tự hào về tôi. Khỏang giữa năm lớp năm, ngoại mua về một sắp vải trắng loại đắt tiền nhất, đạp xe chở tôi đến tiệm may áo dài nổi tiếng ngoài thị xã, may áo dài chuẩn bị cho tôi vào lớp sáu. Ngoại nói là ngoại “nôn” đến ngày tôi lên lớp sáu quá nên phải chuẩn bị trước cho thật kĩ. Lúc cô thợ may hỏi sao tôi bé quá mà may áo dài làm gì, lại may bằng loại vải đắt tiền như thế. Mặt ngoại tôi rạng ngời hạnh phúc khoe tôi là đứa cháu cưng nhất của ngoại, rằng tôi nhìn bé thế thôi chứ sắp vào lớp sáu rồi, rằng tôi học rất giỏi.v.v…Tôi cảm nhận được cô thợ may dường như cũng nhận được sự ảnh hưởng to lớn từ niềm vui và sự tự hào của ngoại tôi, cô mỉm cười rạng rỡ, nói chuyện với ngoại tôi rất nhiều, và hứa sẽ may cho tôi một bộ áo dài đẹp nhất có thắt một bông hồng nơi cổ áo.

Bộ áo dài được ngoại tôi giặt ủi cẩn thận và treo trang trọng trong nhà. Ngoại không cho tôi mặc thử dù cả tôi và ngoại đều muốn thế. Ngọai muốn đợi đến ngày đầu tiên tôi vào lớp sáu mới cho tôi mặc. Ngoại nói với tôi rằng ngày đầu tiên được mặc áo dài đối với người phụ nữ Việt Nam là rất quan trọng. Đó sẽ là ngày đánh dấu sự trưởng thành của tôi. Hàng ngày tôi thường đi qua đi lại ngắm chiếc áo thèm thuồng, đếm từng ngày được vào lớp sáu.

Tỉnh tôi có ba trường cấp II lớn. Một trường chuyên, một trường công lập và một trường bán công. Chỉ có trường công lập là lớp sáu được mặc áo dài, nên tôi nộp hồ sơ thi tuyển vào trường công lập. Lúc thi xong thì mẹ tôi về thăm nhà, ngoại kêu tôi ở nhà với mẹ, ngoại tranh thủ lên Sài Gòn thăm người thân để còn về kịp trước khi tôi nhập học. Ngày tiễn ngoại lên xe, tôi không bao giờ ngờ đó là lần cuối cùng trong cuộc đời tôi được nhìn thấy ngoại cười. Chuyến xe tối hôm đó, do tài xế ngủ gật đã chạy xe vào đọan đường đang sữa chữa nên bị lật xe. Mọi người trên xe đều bình an, chỉ có ngoại tôi và vợ con tài xế là thiệt mạng. Lúc nghe hung tin, tôi cứ tưởng mình nghe nhầm, cứ tưởng mọi người cố tình đùa ác ý với tôi. Tôi đã gào khóc như điên lọan suốt 1 tuần liền sau đó không ăn không ngủ trước mất mát quá to lớn trong cuộc đời mình. Mặc cho mọi người có nói thế nào, tôi cứ ôm chặt lấy xác ngoại tôi cho đến ngày hạ huyệt. Và phải mất hai năm sau, tôi mới có thể chấp nhận sự thật rằng ngọai tôi đã không còn có thể bên cạnh tôi được nữa.

Ngày tôi vào lớp 6, tôi đã quỳ trước mộ ngoại tôi, tôi đã không đậu vào trường công lập. Mặc dù tôi không tin được đó là sự thật. Có lẽ vì con bé trong tôi lúc đó đã quá tự cao. Tôi đã không coi trọng ngày thi của mình, tôi cho rằng mình quá giỏi có thi chơi thì kết quả cũng cao hơn người khác. Tôi đã không nghĩ rằng nhiều người khác không giỏi bằng tôi nhưng họ đã cố gắng hơn tôi gấp nhiều lần. Tôi thấy mình thất bại khi còn quá nhỏ, và quan trọng nhất, tôi đã phụ lòng mong đợi của một người mãi mãi tôi luôn yêu thương nhất trong cuộc đời.

Hai năm sau, tôi mặc một bộ áo dài khác đến quỳ trước mộ ngoại tôi, vì chiếc áo dài cũ tôi không thể mặc vưà được nữa. Không biết tới thời điểm đó chiếc áo dài tôi mặc có còn ý nghĩa đối với ngoại tôi nữa hay không, và ngoại tôi ở trên trời có nhìn thấy hay không! Nhưng tôi vẫn muốn người đầu tiên trông thấy tôi mặc áo dài lần đầu tiên trong đời là ngoại, dù tôi vẫn biết, tôi đã không thực hiện được điều mong ước đơn giản nhất của người!

2007

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét